|
Đa số người dân thành thị đã quen với các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt. |
Người dân quen đã thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh đang lây lan, mà còn trở thành thói quen lâu dài của người tiêu dùng.
Trước đây, mặc dù máy POS đã khá phổ biến, nhiều cửa hàng vẫn chỉ chấp nhận quẹt thẻ với các giao dịch từ 100.000 hoặc 200.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, để hạn chế tiếp xúc và tránh lây lan dịch bệnh, mua một ly cà phê, hay tô bún ăn sáng,... cũng được khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức khác nhau. Nhận thấy được sự nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, thanh toán không dùng tiền mặt mặt trở thành thói quen của nhiều người.
Chủ một quán cà phê trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đa phần khách hàng của quán là người trẻ thể hệ 8X, 9X và GenZ và có tới 70% khách hàng tới đây lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quẹt thẻ, ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc quét mã QR.
Nhiều gia đình giờ đây cũng hình thành thói quen thanh toán các chi tiêu hàng ngày, chi phí điện nước, mua sắm sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Với chị Mỹ Dung ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, vốn thanh toán không dùng tiền mặt chỉ được sử dụng để hạn chế tiếp xúc khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, giờ lại như một thói quen cố hữu. Theo chị, việc mua hàng và thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên rất thuận lợi và còn tiết kiệm chi phí, bởi nhiều ngân hàng, ví điện tử hay sàn thương mại điện tử thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hoàn tiền, miễn phí vận chuyển hay ưu đãi giảm giá,… cho các giao dịch không tiền mặt, giúp chị tiết kiệm được các khoản không nhỏ.
“Tôi hầu như có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các hoạt động mua sắm, tiêu dùng hàng ngày. Ngay cả các quầy hàng ở chợ truyền thống cũng chấp nhận chuyển khoản với các giao dịch nhỏ. Ngoài ra, tôi cũng liên kết thẻ ngân hàng và ví điện tử để thanh toán khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, điều này đem đến cho tôi rất nhiều thuận tiện và ưu đãi. thanh toán không dùng tiền mặt giờ đã thành thói quen nên khi phải trao đổi tiền mặt cũng thấy tương đối bất tiện” - chị Mỹ Dung chia sẻ.
Doanh nghiệp đối mặt với kỳ vọng lớn hơn về thanh toán không tiền mặt
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện cả nước có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 máy POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Nghiên cứu Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2021 chỉ ra, không chỉ tại Việt Nam, mối quan tâm đối với nhiều công nghệ thanh toán đã và đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 94% người dân cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi, như mã QR, ví điện tử, ví di động, trả góp, tiền mã hóa, sinh trắc học,... trong năm 2022. 84% người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sử dụng nhiều hơn các hình thức thanh toán mới nổi trong năm nay.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô sẽ phải đối mặt với kỳ vọng lớn hơn trong việc cung cấp nhiều phương thức mua sắm và thanh toán một cách dài hạn. Không chỉ có nhu cầu sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nghiên cứu của Mastercard cũng chỉ ra, an toàn và bảo mật là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thanh toán điện tử.
Tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt”, bà Winnie Wong – Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử, để họ an tâm về bảo mật và an toàn khi thanh toán.
|
Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” diễn ra mới đây. |
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ và tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán cần ưu tiên đảm bảo và duy trì an toàn và bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử. Tuy nhiên, bà Winnie Wong cho rằng, để làm được điều này rất cần sự đồng hành và nỗ lực chung của NHNN, cũng như các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Tại Hội nghị Khách hàng 2022 tại Việt Nam diễn ra mới đây, Mastercard công bố đánh giá rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Safdar Khan - Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Mastercard - bày tỏ: “Cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam đang trên con đường phát triển tất yếu, và đã thể hiện khả năng thích ứng và phát triển vượt bậc. Với thành tích ấn tượng này, tất cả các bên tham gia thị trường cần hợp tác với nhau để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững".
Theo đánh giá của Mastercard, Việt Nam đang trải qua cuộc cách mạng công nghệ thanh toán lần thứ tư và đã thể hiện được tiềm năng tăng trưởng to lớn nhờ lực lượng dân số trẻ có tư duy của thời đại số. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5% trong năm 2022, cao gấp 2,5 lần so với năm 2021. Năm 2021, ngoài việc duy trì mức tăng trưởng GDP dương, Việt Nam còn ghi nhận nền kinh tế kỹ thuật số đạt giá trị 21 tỉ USD, điều này được thúc đẩy bởi 8 triệu người dùng kỹ thuật số mới trong thời kỳ đại dịch. /.