Hàng chục người vào viện để khám sau khi ăn pate Minh Chay
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, tính đến ngày 7/9, Trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong số 35 trường hợp này có tới 13 người xuất hiện triệu chứng ngộ độc nhẹ, bị mệt mỏi, yếu cơ. 13 trường hợp này đều ăn thực phẩm pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định, được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp. Nếu có diễn biến bất thường, 13 người này cần phải quay lại bệnh viện ngay để xử trí kịp thời.
Qua các hoạt động hội chẩn, trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ thuộc hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu của các tỉnh, BS. Nguyên cho hay: Mặc dù Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát đi lời cảnh báo về sản phẩm pate Minh Chay có vi khuẩn cực độc từ ngày 29/8, nhưng đến ngày 3/9 vẫn có 1 bệnh nhân ăn pate Minh Chay bị ngộ độc. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc tiếp.
BS. Nguyên cho biết, sản phẩm pate Minh Chay chứa độc tố botulinum cực độc. Khi đi vào cơ thể người, chưa đến 0,1 mg botulinum đã có thể gây tử vong. Có thể coi botulinum là một trong các chất độc độc nhất hiện nay. Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm. Nếu không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải sẽ gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt.
Sức khỏe 2 bệnh nhân đầu tiên ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai đã ổn định (Ảnh: Thành Dương)
|
Thông tin về sức khỏe 2 bệnh nhân đầu tiên ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, BS. Nguyên chia sẻ: Sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29/8. Bệnh nhân nữ 68 tuổi đã tự ngồi, chăm sóc cá nhân, nói rõ, tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại. Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay dẫn đến tình trạng nhiễm độc nặng.
Vì vậy, BS. Nguyễn khuyến cáo: Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, người dân phải ngừng sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (chủ yếu là sản phẩm pate Minh Chay); nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, cơ quan an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của Công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng. Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.
Dùng thuốc giải độc càng sớm càng tốt
Trước tình trạng nhiều người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Bệnh cảnh chính là người bệnh bị liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Khi tình trạng ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.
Ngộ độc do botulinum xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.
Chính vì vậy các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.
Để chẩn đoán xác định bệnh nhân ngộ độc do botulinum, các bác sĩ sẽ kiểm tra loại thực phẩm nghi ngờ, yếu tố dịch tễ, thời gian khởi phát bệnh, thăm khám về mặt lâm sàng (dấu hiệu sinh tồn, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, tiết niệu), cận lâm sàng (xét nghiệm thăm dò, thăm dò sinh lý – điện cơ, xét nghiệm vi khuẩn và độc tố).
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, Bộ Y tế nhấn mạnh nguyên tắc cấp cứu và hồi sức là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo. Các bác sĩ phải dùng thuốc giải độc càng sớm càng tốt khi có chỉ định, đồng thời, báo các cơ quan cơ quan chức năng để cùng phối hợp giải quyết.
Lọ pate Minh Chay có vi khuẩn cực độc (Ảnh: Lê Minh)
|
Thực tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum khi có triệu chứng rõ, dùng thuốc giải độc càng sớm thì càng hiệu quả, tốt nhất là trước khi các triệu chứng của bệnh nhân chuyển nặng. Tuy nhiên, thúoc có thể được chỉ định ở bất kỳ giai đoạn nào của ngộ độc khi tình trạng bệnh nhân còn nặng. Đáng chú ý, các bác sĩ không cần chờ đợi kết quả xét nghiệm độc tố hoặc nuôi cấy vi khuẩn mới chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi dùng thuốc cần thận trọng đối với người dị ứng với các chế phẩm sinh học từ ngựa, người có cơ địa dị ứng (hen, mày đay, sẩn ngứa,…).
Bộ Y tế khẳng định: Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, có tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy trung bình là 2 tháng, bệnh nhân lâu hồi phục kèm theo các biến chứng có thể xảy ra như: viêm phổi do thở máy dài ngày, loét vì nằm lâu ngày, liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo an toàn, được công nhận; thận trọng với các thực phẩm đóng kín, có mùi, màu sắc thay đổi, có vị khác thường (ví dụ: sữa chua không còn vị chua); không nên tự đóng gói kín thực phẩm để kéo dài trong điều kiện không đông đá (chỉ nhiệt độ đông đá mới khiến vi khuẩn ngừng phát triển, không sinh độc tố).
Người dân nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, được nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (dưa muối, măng, cà muối,…) phải có vị chua, mặn. Nếu thực phẩm hết chua thì không nên ăn.