AIIB, nước chiếu bí chính trị của Trung Quốc trên bài cờ tiền tệ thế giới

AFP đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố hai nước này không phản đối Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nhưng nhấn mạnh rằng AIIB cần các tiêu chuẩn cao và sự minh bạch.
AIIB, nước chiếu bí chính trị của Trung Quốc trên bài cờ tiền tệ thế giới

Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á AIIB (ABII) - đứa con tinh thần của Bắc Kinh. Ký kết các thỏa thuận xây dựng hạ tầng cơ sở AIIB được thực hiện vào tháng Mười năm 2014. Các thành viên sáng lập ban đầu là Trung Quốc và 20 quốc gia ở châu Á: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam. Vốn pháp định của ngân hàng được dự kiên khoảng 100 tỷ đô la.

Tháng 3.2015 dự án đã được nâng lên một cấp độ mới về chất với quyết định tham gia vào thành viên sáng lập ngân hàng là Vương quốc Anh, tiếp theo là Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Australia và một số nước khác. Nga cũng đưa đề nghị gia nhập Ngân hàng. Đài Loan tuyên bố tham gia AIIB vào ngày 31 tháng 3, ngày cuối cùng đăng ký tham gia. Như vậy, số các nước thành viên tham gia ngân hàng đạt tới là 47. Các nước lớn đứng ngoài dự án chỉ có Mỹ và Nhật Bản.

Trụ sở chính của ngân hàng được đặt tại Bắc Kinh. Một trong những vấn đề cơ bản của ABII - hạn ngạch vốn và tỷ trọng biểu quyết. Dựa trên dữ liệu có sẵn, các tiêu chí cơ bản để tính hạn ngạch là GDP của nước đó (có thể dùng một số loại yếu tố điều chỉnh). Nguồn vốn AIIB phải được hình thành trước khi kết thúc năm nay, và ngân hàng sẽ thực hiện các hoạt động giao dịch trong năm 2016. Một tốc độ chóng mặt. Để so sánh,  có thể thấy quyết định thành lập IMF và Ngân hàng Thế giới WB được thông qua vào giữa năm 1944 nhưng những hoạt động giao dịch đầu tiên chỉ có thể bắt đầu vào năm 1947.

Ngân hàng mới có mục đích đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở trong khu vực châu Á, nhưng sự thật là phạm vi hoạt động của những sáng lập viên đã mở rộng đáng kể,  kế hoạch khởi điểm ban đầu có thể được sửa đổi, phạm vi của các ngân hàng có thể có phạm vi hoạt động rộng hơn trong các ngành nghề  và các dự án mà vị trí địa lý của nó nằm ngoài châu Á.

Một số chuyên gia cho rằng, dưới quan điểm đầu tư hạ tầng cơ sở của châu Á ấn dấu tham vọng con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển, một trong những điểm cần đặt trọng tâm nhất là dự án kênh đào Kra có tổng vốn 25 tỷ đô la mà Trung Quốc đang có tham vọng đầu tư thực hiện, tất nhiên dự án này sẽ bị sự ngăn trở từ phía các cường quốc phương Tây đứng đầu là Mỹ, với các cổ đông sáng lập như Anh, Pháp, Nga và một số nước khác, khả năng đổ bể dự án sẽ giảm rất nhiều.

Ngân hàng ABII được hình thành không đơn thuần đặt mục tiêu kinh tế, mà mục tiêu then chốt là chính trị. Dự thảo ngân hàng mới là một động thái chớp thời cơ, phản ứng đối với cuộc khủng hoảng của tổ chức tài chính Bretton- Woods và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF - Ngân hàng Thế giới WB. Khủng hoảng phát sinh do Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn những cải cách của các tổ chức tài chính. Washington bắt đầu mất toàn quyền kiểm soát IMF và WB, liên quan với thực tế là vị thế Mỹ trong nền kinh tế thế giới đang suy yếu,  nhiều nước đứng đầu là Trung Quốc đang gia tăng nhanh tiềm lực kinh tế của họ. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại hạn mức của các nước thành viên trong cơ cấu vốn và tỷ trọng biểu quyết, trong khi  Washington  kéo dài thời gian ra những quyết định cần thiết. Sự nhùng nhằng này dẫn đến khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009. IMF đã không thể hiện được khả năng cung cấp một sự giúp đỡ hiệu quả đối với các nước bị rơi vào tình huống khó khăn tài chính.

Cuối năm 2010, Hội đồng giám đốc quản trị IMF quyết định tăng gấp đôi vốn của Quỹ và lần thứ 14 tiếp theo điều chỉnh các chỉ mục các nước thành viên. IMF cũng  quyết định thay đổi công thức hạn ngạch, từ đó phản ánh chính xác hơn vị thế của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu (chỉ số chính là tổng sản phẩm quốc nội).

Và đây cũng là năm thứ năm Washington  không phê chuẩn nghị quyết đã  được thông qua  năm 2010 của  IMF,  nhiều nước không nhận được sự chia sẻ công bằng tỷ trọng biểu quyết trong Quỹ. Đây chính là vấn đề của Trung Quốc. GDP đại lục, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong năm đã vượt quá GDP của Mỹ. Trung Quốc trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng hạn ngạch IMF của  Mỹ là 17,7%, và hạn ngạch của Trung Quốc - chỉ có 4,2%. Washington  có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của IMF (quyền áp đặt veto ít nhất 15% số phiếu biểu quyết).

Do thiếu hụt nguồn vốn, IMF đã phải sử dụng nguồn vốn của các nước thành viên bằng cách quay vòng vốn và trả lãi. Trung Quốc, trong tham vọng vươn lên ngang với Mỹ cũng cung cấp một ngân sách đáng kể cho giải pháp này, nhưng vẫn không có được quyền tham gia biểu quyết trong những quyết định quan trọng của quỹ. Bắc Kinh nhận thấy khả năng có một vị thế trong IMF trở thành không tưởng, đồng thời các quốc gia khác thuộc khối BRICS cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Điều này cũng nhận thấy ở WB. Tỷ lệ cổ phần biểu quyết của Mỹ ở  WB là 16,4%, của Trung Quốc –  2,8%, của Nga –  2,8%.

Chính sự mất công bằng này đã khiến BRICS quyết định thành lập ngân hàng của riêng mình – có chức năng hoạt động tương tự như WB nhưng các điều kiện mở rộng hơn đồng thời cũng xây dựng quỹ tiền tệ tương tự như IMF. Cả ngân hàng của BRISC (New Development Bank BRICS) và quỹ  BRISC nhằm phục vụ cho mục đích làm đối trọng với IMF và WB với định hướng phát triển khu vực, tất nhiên không phải là vũ khí chủ lực của Bắc Kinh trong việc tấn công vào vị thế độc tôn của đồng đô la. Nhưng AIIB có mục đích lớn hơn rất nhiều mà nhiệm vụ ban đầu của nó – phản ứng kịp thời với các cuộc khủng hoảng của các tổ chức tài chính thế giới. Có nghĩa là, AIIB với sự vị thế lãnh đạo của Trung Quốc, sẽ tham gia dập tắt các cuộc khủng hoảng tài chính của các tổ chức tiền tệ, mở đường cho những quyết sách kinh tế chính trị tầm thế giới mà Trung Quốc đặt ra.

Những dấu hiệu cho thấy các tổ chức tài chính quốc tế, bị kiểm soát bởi Washing ton đang suy giảm năng lực có rất nhiều. Ví dụ gần đây nhất, Nga đã rút khỏi Tập đoàn Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC) 245 triệu đô la góp của nó... IFC là một thành viên của cụm các tập đoàn thuộc Ngân hàng Thế giới. Tổng số cổ phiếu của Mỹ trong IFC quá cao - hơn 23%. Khi tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, tổ chức tài chính do Washington này đã chấm dứt mọi hoạt động ở Nga. Vị thế thành viên của Nga tại IFC trở thành vô nghĩa. Dễ hiểu, bước tiếp theo là Moscow sẽ rút khỏi IFC.

Hàng loạt những tuyên bố đăng ký của các nước gia nhập AIIB là một đòn bất ngờ đối với Washington, dấu hiệu sự suy giảm quyền kiểm soát các tình huống phát sinh trong lĩnh vực tiền tệ quốc tế. Cựu lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ L. Summers thừa nhận trong bài viết trên "The Washington Post": "Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra đời hệ thống Bretton -  Woods, chúng ta chứng kiến việc đất nước ​​Trung Quốc mà người Mỹ đánh giá khá thấp đã thành lập một tổ chức tài chính lớn  và Mỹ  không thể thuyết phục các đồng minh truyền thống của mình, trước hết là  Vương quốc Anh không tham gia. Sự thất bại chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ đã âm ỉ trong thời gian dài, và hậu quả phải dẫn đến một  phương pháp tiếp cận đầy đủ, hoàn toàn mới  của các nhà chức trách Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Với sự tham gia hàng loạt các nước vào AIIB, Bắc Kinh đã có được một số lượng rất đông các cổ đông tài chính, ngoại trừ Mỹ và Nhật cho các hoạt động gia tăng quyền lực của mình trên thế giới, trước mắt là khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gắn kết với nhau bằng nguồn lợi nhuận xuất phát từ AIIB, các quốc gia thành viên sẽ không hoặc không nhất quan đối với mọi hành vi nhằm thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực nóng, tranh giành vị thế bá quyền của Mỹ trong một khu vực nhất định – Đông Nam Á và đó cũng là động lực bổ xung  cho cuộc “Marathon – 100 năm” đã gần về đích nhằm thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” .

Nếu dự án Kra được thực hiện, nguồn vốn các nước trong AIIB sẽ dẫn đến việc mở rộng đầu tư vào Đông Nam Á, vị thế tiếng nói cộng đồng ASEAN hoặc của Mỹ sẽ suy giảm nhanh chóng, những xung đột chủ quyền cũng sẽ không còn là vấn đề lớn của thành viên AIIB trong tương lai. Đó là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển hai “con đường tơ lụa” chuỗi đảo phòng thủ tầm gần của Bắc Kinh trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông thành bàn đạp cho Hải quân Trung Quốc khống chế khu vực, vươn ra biển lớn.  

Các lãnh đạo của WB và IMF ngậm bồ hòn làm ngọt, họ tuyên bố về vấn đề sẵn sàng làm việc với AIIB trên tinh thần xây dựng đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở các quốc gia. Những tuyên bố mang tính ngoại giao này đã làm cho các chính khách Mỹ rất khó chịu. Cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Jacob Lew  cho rằng: sự phát trển của của AIIB đặt ra một câu hỏi lớn cho sự tồn tại hợp pháp của IMF và WB.

Washington chính thức nỗ lực thuyết phục đồng minh thân cận nhất của minh- London, coi việc đưa ra tuyên bố gia nhập AIIB tương tự như một sự phản bội. London hoàn toàn không phản ứng trước những tuyên bố đầy bức xúc  của Washingtin. Khi đó Jacob Lew đã đi một nước cờ rắn trong bàn cờ Washington - Bắc Kinh, ông đe dọa sẽ không bỏ phiếu ủng hộ trong hội nghị của Quỹ tiền tệ thế giới vào cuối năm 2015 về quyết định đưa đồng Nhân dân tệ vào trong giỏ tiền tệ thế giới của IMF. Có nghĩa là sẽ biểu quyết chống lại việc đưa Nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền dự trữ thế giới (ngoại tệ mạnh). Thực tế cho thấy, ngay cả trong trường hợp Bắc Kinh không xây dựng ngân hàng quốc tế mới. Mỹ cũng không bao giờ ủng hộ đồng Nhân dân tệ vào trong giỏ tiền dự trữ quốc tế. AIIB đã trở thành một phương diện quân mới đe dọa vị thế độc tôn của đô la.

Một điều dễ thấy, trên mặt trận đấu tranh dành vị thế siêu cường số 1 thế giới. Bắc Kinh đang thực hiện những nước đi tương tự như người Mỹ đã tiến hành từ nhiều năm trước nhằm chiếm vị thế của châu Âu già cỗi, từ phát triển sức mạnh quân sự, ngăn chặn và răn đe, xây dựng hệ thống tài chính tiền tệ khống chế toàn cầu, lôi kéo đồng minh v.v.nhưng với những nước cơ khôn khéo và uyển chuyển hơn, lách vào mọi kẽ hở kinh tế - tài chính – địa chính trị toàn cầu để phục vụ cho mục đích cuối cùng của mình.  Sự phân định bàn cờ đã rõ nét hơn trong cuộc chơi tài chính tiền tệ Trung-Mỹ, bằng AIIB  Bắc Kinh đã loại hầu hết những đồng mình của Mỹ ra khỏi cuộc đấu và lôi kéo họ về phía mình, ít nhất là thúc thủ.

Chỉ còn lại một đồng minh lịch sử thực sự của Mỹ là Nhật Bản đã không đưa đơn gia nhập ABIIB mặc dù Bắc Kinh rất mong muốn điều này. Sự không tham gia của Tokyo vào ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á AIIB được một số các chuyên gia giải thích, đó là do thực tế Nhật Bản vẫn là ‘hàng không mẫu hạm” không thể đánh chìm của Mỹ trong cuộc đối đầu địa chính trị châu Á. Một số các chuyên gia tài chính cho rằng, AIIB ở châu Á sẽ cạnh tranh trực tiếp với  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong đó Nhật Bản giữ vai trò đứng đầu. ADB thành lập vào năm 1966 và có vốn đăng ký là 50 tỷ đô la..; ADB hiện có 48 thành viên khu vực (châu Á) và 19 thành viên ngoài khu vực, trong số đó có Mỹ.

Như vậy, AIIB sẽ đe dọa không chỉ quyền lực thống trị của Mỹ ở khu vực châu Á mà còn thọc sâu mũi tấn công vào sân sau của Mỹ và là nguy cơ cho sự suy giảm giá trị của đồng EURO, vốn đang gặp vô vàn khó khăn do chịu đựng hậu quả của khủng hoảng tài chính Hy Lạp, tổn thất kinh tế từ cuộc xung đột Đông Tây, đe dọa mất an ninh do chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa dân tộc cực đoan hình thành từ Ukraine với tâm lý bài Nga nặng nề. Với cơ chế mới nhanh, thoáng và không có những ràng buộc nặng nề theo kiểu chính sách “thắt lưng buộc bụng” của IMF, đồng Nhân dân tệ với những khoản đầu tư của AIIB sẽ nhanh chóng đánh chiếm nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đông Âu.

Quốc hội Mỹ, vốn không đồng thuận với chính sách đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc của Nhà Trắng hiện nay, đang đứng trước một hoàn cảnh khó khăn. Điểm mấu chốt là phải cải tổ IMF và cung cấp khoản tài chính nhằm gia tăng sức mạnh  cho quỹ, ngăn chặn những hậu quả của sự suy giảm năng lực các tổ chức tài chính do Mỹ kiểm soát. Nhưng ngay bản thân Quốc hội Mỹ cũng có sẽ rất khó khi đưa ra các chính sách nhằm làm yếu đi sức mạnh của đồng Nhân dân tệ, khi tình hình địa chính trị của châu Âu ngày càng phức tạp hơn và rất nhiều nước Đông Âu đang cần những nguồn tài chính dễ dàng từ Bắc Kinh.

Những sự kiện gần đây, gắn liền với tuyên bố xây dựng AIIB, đã vượt ra khỏi khuôn khổ tài chính quốc tế. Hàng loạt đơn đề nghị tham gia AIIB của các quốc gia Á – Âu trong khi Washington liên tục cảnh báo và ngăn chăn đã minh chứng một điều: vị thế địa chính trị - kinh tế - tài chính Mỹ đã suy giảm đáng kể sau những cuộc xung đột triền miên đồng thời những quyết sách kinh tế - chính trị Trung Quốc đã mang lại cho Bắc Kinh một vị thế đáng sợ. Sự hình thành AIIB dưới sự lãnh đạo của “thiên triều” cho thấy một viễn cảnh trong tương lai, đó là những thay đổi vô cùng lớn trong trật tự địa chính trị nói chung và trong lĩnh vực tài chính tiền tệ thế giới nói riêng. Nói khác đi, từ Bắc Kinh, người ta đang đợi một sự tuôn trào mới.

Theo: QPAN