Ai ở Hải Dương được phép ra ngoài sau khi toàn tỉnh cách ly xã hội vì COVID-19 từ 0h đêm nay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 phức tạp, chiều nay, ngày 15/2, Tỉnh uỷ Hải Dương đã ra chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sau Tết nguyên đán Tân Sửu.
Công nhân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Hải Dương (Ảnh - BYT)
Công nhân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Hải Dương (Ảnh - BYT)

Sau Tết, dịch bệnh ngày càng phức tạp

Theo các chuyên gia y tế, sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch COVID-19 ở Hải Dương diễn biến phức tạp với số ca mắc mới liên tục phát sinh. Từ ngày 27/1 đến 6h hôm nay (15/2), Hải Dương đã phát hiện tổng cộng 475 ca bệnh, các bệnh nhân xuất hiện ở 11/12 huyện, thị xã, thành phố với gần 14.000 người phải cách ly tập trung.

Mặc dù Hải Dương là điểm nóng của dịch COVID-19 nhưng nhiều công nhân liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 sống ở huyện Cẩm Giàng đã di chuyển đến các địa phương khác trong tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bùng phát trong những ngày tới.

Chính vì thế, Chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn sau Tết Nguyên đán Tân Sửu của Tỉnh uỷ Hải Dương đã nêu rõ: Kể từ 0h ngày 16/2, toàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội trong 15 ngày theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn (khu dân cư) cách ly với thôn (khu dân cư), xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Khu vực cách ly phòng COVID-19 ở Chí Linh, Hải Dương (Ảnh - BYT)

Khu vực cách ly phòng COVID-19 ở Chí Linh, Hải Dương (Ảnh - BYT)

Theo chỉ thị, mọi người dân đều phải ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy,…các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động.

Cùng với đó, mỗi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Tạm dừng các hoạt động tổ chức lễ hội đầu xuân, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Ban thường vụ Tỉnh ủy kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Tiếp tục phong toả toàn bộ huyện Cẩm Giàng

Nhằm kiểm soát dịch COVID-19, TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng tiếp tục thực hiện phong tỏa toàn bộ. Đối với huyện Cẩm Giàng, do có số lượng công nhân làm việc ở các khu công nghiệp lớn, tình hình dịch tễ rất phức tạp nên phải phong tỏa, cách ly y tế thật nghiêm ngặt, tránh nguy cơ lây lan từ công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn của huyện.

Chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn sau Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng nêu rõ: Hải Dương chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn huyện Cẩm Giàng tới công ty làm việc và phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đang thường trú, tạm trú.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân (Ảnh - BYT)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân (Ảnh - BYT)

Đối với công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, hiện đang thường trú ở các huyện, thị xã, thành phố ngoài huyện Cẩm Giàng đều phải cách ly tại nhà, tạm thời chưa quay lại làm việc trong vùng dịch huyện Cẩm Giàng. Còn các doanh nghiệp ngoài địa bàn huyện Cẩm Giàng không được cho phép công nhân cư trú, tạm trú tại địa bàn huyện Cẩm Giàng đến làm việc.

Các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin và làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở (không quá 50% số người đến làm việc) và tổ chức họp trực tuyến để giải quyết công việc.

Hà Nội yêu cầu người đến, đi về từ Cẩm Giàng phải xét nghiệm COVID-19

Huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh vì nhiều công nhân làm việc ở đây liên quan đến bệnh nhân COVID-19 có tình hình dịch tễ phức tạp. Do đó, ngay trong chiều nay, Sở Y tế TP. Hà Nội đã ra thông báo yêu cầy những người đã đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cần khai báo y tế và thực hiện các công việc liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Theo Sở Y tế TP. Hà Nội, tất cả người dân sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội đã từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương trong thời gian từ ngày 15/1 đến nay phải chủ động liên hệ với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế, được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giám sát sức khoẻ. Người dân có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng phòng, chống dịch COVID-19 0969.082.115 hoặc 0949.396.115 để được tư vấn.