Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa phát đi thông báo cho biết, hai cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đại diện cho cổ đông chiến lược Standard Chartered (Anh Quốc) – là Standard Chartered Bank Hong Kong Limitted và Standard Chartered APR Limited - đã chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi nhà băng này.
Giao dịch được hoàn tất vào Thứ Ba tuần trước, ngày 09/01/2018, sau khi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện việc chuyển quyền sở hữu hơn 154 triệu cổ phiếu ACB từ hai nhà đầu tư này sang cho 4 nhà đầu tư khác.
Đáng chú ý, cả 4 nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trong thương vụ đều là các nhà đầu tư nước ngoài, nên cơ cấu sở hữu của khối ngoại tại ACB vẫn cơ bản được giữ nguyên. Tuy nhiên, vì đều mua lượng cổ phiếu với quy mô dưới 5% cổ phần ngân hàng, nên 4 tân cổ đông này sẽ không được coi là cổ đông lớn. Do đó, sau này, khi tiến hành thoái vốn ACB, 4 cái tên vừa kể sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đại chúng – trừ phi họ mua thêm đển nâng tỷ lệ sở hữu lên 5% hoặc hơn.
Cụ thể, 4 nhà đầu tư vừa nhận chuyển nhượng hơn 154 triệu cổ phiếu ACB là: Estes Investments Limited (nhận 38,5 triệu cổ phiếu từ Standard Chartered Bank Hong Kong Limitted và nhận 12,8 triệu cổ phiếu từ Standard Chartered APR Limited), Sather Gate Investments Limited (nhận 51,3 triệu cổ phiếu từ Standard Chartered Bank Hong Kong Limitted), Boardwalk South Limited (nhận 0,2 triệu cổ phiếu từ Standard Chartered APR Limited), Whistler Investments Limited (nhận 51,3 trieuj cổ phiếu từ Standard Chartered APR Limited).
Hiện chưa rõ thực lực của 4 nhà đầu tư trên đến đâu, cũng như giá trị thực sự của giao dịch, vì đó là thỏa thuận ngoài sàn. Chỉ biết, trên HNX, cổ phiếu ACB đang trải qua những tháng ngày tươi xanh. Trong vòng một năm, thị giá cổ phiếu ACB đã bứt phá từ vùng giá 21.000 đồng/cổ phiếu lên gấp đôi, khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Thương vụ đã kết lại “mối tình” 12 năm giữa nhà băng Anh Quốc Standard Chartered với ACB. Standard Chartered Bank đã trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ tháng 7-2005 khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép ACB bán tối đa 10% cho ngân hàng Anh quốc này. Đến 2008, Standard Chartered Bank mua thêm 6,16% cổ phần và 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ACB, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 15% cổ phần và 15,86% trái phiếu chuyển đổi, trong đó có phần bán của IFC .
Thực tế, việc rút lui của Standard Chartered là không bất ngờ. Từ hơn hai năm trước, nhà băng Anh Quốc này đã công bố kế hoạch thoái các khoản đầu tư ở thị trường Châu Á, trong đó có ACB. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của ACB diễn ra vào trung tuần tháng 4/2017, vấn đề này một lần nữa lại được đề cập.
Tại đại hội đó, nhiều cổ đông đã tỏ ý băn khoăn về khoảng trống kinh nghiệm quản lý mà Standard Chartered để lại. Đáp lại, đại diện Standard Chartered chia sẻ rằng thời gian ban đầu, Standard Chartered đã hỗ trợ rất nhiều cho ACB, tuy nhiên, đến lúc này thì sự hỗ trợ đó không còn cần thiết. “Ngày hôm nay, HĐQT, Ban điều hành của Ngân hàng ACB đã có đầy đủ năng lực, và không còn cần sự hỗ trợ của Standard Chartered Bank nữa. Tôi tin tưởng tương lai của ACB sẽ ngày càng vững mạnh”, vị đại diện nói.
Bổ sung thêm, CEO ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, giai đoạn đầu ACB đã tiếp nhận sự hỗ trợ của đối tác chiến lược, song đến nay đã chuyển sang giai đoạn hợp tác song phương và có hiệu quả tốt hơn.
Thực tế, từ tháng 11/2017, ông Andrew Colin Vallis – đại diện phần vốn góp của Standard Chartered đã rời vị trí thành viên HĐQT ACB./.