Isabella Plunkett 26 tuổi, kiểm duyệt nội dung cho Facebook tại Ireland. Hồi đầu tháng 5, cô đã lên tiếng trước Ủy ban Doanh nghiệp, Thương mại và Việc làm của Quốc hội Ireland về những bằng chứng đầu tiên liên quan đến tác hại tâm lý của công việc này.
|
Plunkett là người đầu tiên tiết lộ về công việc kiểm duyệt cho Facebook. Ảnh: AFP. |
Plunkett làm việc cho Covalen, một trong những nhà thầu lớn nhất của Facebook tại Ireland. Mỗi ngày cô phải xử lý khoảng 100 báo cáo, có thể là video, hình ảnh và bài viết chữ trên nền tảng Facebook. Chúng thường chứa nội dung bạo lực, cổ xúy tự sát và lạm dụng.
Cô cũng không được làm việc từ xa, khác với những đồng nghiệp được Facebook thuê trực tiếp. "Các yêu cầu được ưu tiên cao, gồm nội dung bạo lực, xâm hại trẻ em và tự sát, không được giao cho người làm việc từ xa. Gánh nặng đổ dồn lên chúng tôi. Mỗi ngày là một cơn ác mộng, những biện pháp hỗ trợ là không đủ", Plunkett nói. Việc đến văn phòng hàng ngày và tiếp xúc những nội dung trên khiến cô trở nên nhút nhát và phải uống thuốc an thần.
Facebook cho biết có dịch vụ trợ giúp tâm lý 24/24, nhưng Plunkett khẳng định những người đó không phải bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp. "Tôi đã gặp họ nhưng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Không thể nói rằng tôi trút được gánh nặng sau khi rời nơi làm việc và ngủ ngon. Nó cứ bám lấy, thậm chí tôi ngồi xem TV mà cũng nhớ đến những cảnh mà mình phải kiểm duyệt", cô kể.
Các nhân viên thuộc nhà thầu được phép dành 1,5 giờ mỗi tuần để chăm sóc sức khỏe tâm lý. Họ được dùng thời gian này để gặp các nhà tư vấn, đi bộ hoặc nghỉ ngơi nếu cảm thấy bị quá tải.
"Thời gian đó là không đủ. Những gì tôi thấy còn xuất hiện cả trong mơ. Tôi nhớ đến nó, trải nghiệm nó một lần nữa và điều đó thật đáng sợ. Bạn không thể biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo mà phải xem toàn bộ nội dung từ đầu đến cuối để truy tìm kẻ vi phạm", Plunkett nhớ lại.
Một số người kiểm duyệt được yêu cầu ký bản ghi nhớ trước khi bắt đầu làm việc, trong đó chấp nhận rằng những nội dung họ phải duyệt có thể dẫn tới sức khỏe tâm thần suy giảm hoặc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Họ thậm chí phải ký thỏa thuận giữ bí mật (NDA) khi bắt đầu công việc.
Đại diện Facebook cho biết NDA là điều bình thường và những người kiểm duyệt có thể thảo luận về công việc với bác sĩ và chuyên viên tâm lý. Nhân viên Facebook có thể nói về những thách thức và phần thưởng trong công việc với người thân, nhưng không được tiết lộ những nội dung cụ thể được họ đánh giá.
|
Một trung tâm kiểm duyệt nội dung của Facebook. Ảnh: New York Times. |
"Những người duyệt nội dung của Facebook phải trải qua chương trình đào tạo chuyên sâu về tiêu chuẩn cộng đồng, cũng như được tiếp cận hỗ trợ tâm lý để bảo đảm sức khỏe. Ở Ireland, dịch vụ này gồm hỗ trợ 24/7 tại chỗ với chuyên viên tâm lý đã qua đào tạo, hệ thống trực điện thoại và chăm sóc sức khỏe riêng tư kể từ khi bắt đầu công việc. Chúng tôi cũng áp dụng nhiều phương án kỹ thuật để giới hạn tối đa nguy cơ tiếp xúc các nội dung nguy hiểm", đại diện Facebook nói.
Hệ thống kiểm duyệt Facebook dựa vào nhân viên con người và thuật toán máy học. Facebook kỳ vọng sẽ giảm số nhân viên kiểm duyệt và dần thế chỗ bằng công nhệ máy học. Dù vậy, Lunkett cho rằng điều này chỉ là một trong những ảo tưởng của mạng xã hội Mỹ khi các hệ thống còn chưa đi đến đâu.
Lunkett cho rằng mọi người bị đe dọa không thể nói lên vấn đề vì điều khoản NDA và nguy cơ mất việc. Cô dẫn ra một báo cáo liên lạc nội bộ của Facebook, trong đó bài viết của đồng nghiệp bị xóa sạch. Facebook bác bỏ điều này, khẳng định không có hình thức trừng phạt người đã tiết lộ bí mật.
"Mọi người than phiền vì cách đối xử của Facebook và họ thấy không an toàn. Rõ ràng đang có hoạt động bưng bít", Plunkett nói.
Theo VnExpress