Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS - cho biết: Việt Nam đã trải qua gần 30 năm chiến đấu với HIV/AIDS. Những năm gần đây, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp mới, toàn diện, có hiệu quả để phòng, chống HIV/AIDS như: xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, điều trị ARV theo ngày, dùng bao cao su, điều trị tiền phơi nhiễm (PrEP),…Vì vậy, hiện Việt Nam đã giảm được 2/3 số trường hợp nhiễm mới và tử vong hàng năm do nhiễm HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS
|
Mục tiêu của chiến dịch K=K là nâng cao nhận thức cộng đồng, bao gồm cả người cung cấp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của K=K. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền,… và kiểm soát được dịch với K=K.
"Hiện, trong 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV trên toàn quốc, có tới 95% bệnh nhân đạt được ngưỡng ức chế; 92% đạt được ngưỡng không phát hiện – không còn khả năng lây nhiễm HIV qua con đường tình dục. Đây là một kết quả đáng mừng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.” - PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long nói.
Bà Caryn R. McClelland – Phó Đại sứ hoa Kỳ tại Việt Nam
|
“Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Chúng ta nên khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV, nhằm điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người có HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để ngăn chặn sự lây truyền HIV.” - Bà Caryn R. McClelland – Phó Đại sứ hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay.
TS. John Blanford – Giám đốc CDC tại Việt Nam
|
TS. John Blanford – Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi tin rằng thông điệp K=K sẽ giúp thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV và cả cộng đồng. Tất cả chứng ta đều có thể sống và yêu như bất kỳ ai khác”.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS
|
Chia sẻ về chiến dịch quốc gia K=K, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS - cho rằng: Khi bệnh nhân nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu, thì không còn tình trạng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Đây chính là thông điệp hết sức quan trọng để xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV trong cộng đồng.”
GS. TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
|
GS. TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - nhấn mạnh: "Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đi đầu trong chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Không phát hiện = Không lây truyền là thông điệp dựa trên bằng chứng khoa học khi một người có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không lây truyền virus HIV qua quan hệ tình dục. Điều này sẽ giúp giảm sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV, đồng thời nâng cao nhận thức cho các cán bộ y tế và cả cộng đồng về HIV/AIDS".
PGS. TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai
|
Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: "Thông điệp K=K đã được CDC đưa ra từ năm 2017, hiện trên toàn thế giới đều ủng hộ thông điệp này. Người nhiễm HIV khi tuân thủ tốt phác đồ điều trị của các bác sĩ sẽ có sức khỏe tốt, sinh hoạt bình thường, không lây nhiễm HIV cho người khác, đặc biệt là qua quan hệ tình dục. Cùng với đó, người nhiễm HIV cần xét nghiệm máu định kỳ, một năm phải đo tải lượng virus trong máu 1 lần. Bởi bản chất của HIV là không thể chữa khỏi hoàn toàn và bệnh nhân phải duy trì uống thuốc suốt đời”.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland, đối tác Việt Nam và khách tham dự tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông quốc gia về Không phát hiện bằng Không lây truyền (K=K).
|
Anh Bùi Nhật Vũ (1987, Hà Nội) – đại diện người mắc HIV chia sẻ: “Tôi đã mắc HIV từ năm 16 tuổi vì quan hệ tình dục bừa bãi, không dùng bao cao su, nghiện ma túy,…Tuy nhiên, với niềm tin vào cuộc sống, tôi đã vượt qua khó khăn để có được ngày hôm nay. Tôi đã điều trị ARV được hơn 10 năm, hiện tải lượng virus của tôi ở dưới ngưỡng phát hiện, có vợ và có con bình thường.
Dự kiến, chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền" sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2019. Trong thời gian 3 tháng, chiến dịch sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về K=K trong cộng đồng những người sống chung với HIV, các nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ nhiễm HIV cùng các tổ chức cộng đồng, cán bộ y tế và toàn xã hội. |