|
Ảnh: Google |
Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.
Trong văn bản nói trên, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng tháng 9/2024 là thời điểm phù hợp vì đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Theo nội dung văn bản: Các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G, 5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. Đồng thời, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ này và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ TT&TT đặt trọng tâm trong năm 2023 cần có biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng 2G, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Được biết, Bộ cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường phủ sóng 4G và triển khai 5G. Bộ định hướng nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G và cải thiện chất lượng dịch vụ 5G.
Trao đổi với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) Houlin Zhao trong khuôn khổ sự kiện Digital World ngày năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu cách làm của Việt Nam để nhanh chóng phổ cập smartphone đến 100% người dân. Theo đó, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5%. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy cầm tay cho các thuê bao 2G. Đây cũng là mô hình mà các nước thành viên của ITU có thể tham khảo cho quá trình tắt sóng các công nghệ cũ.
Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời, sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Trên thế giới, có nước tắt sóng mạng 2G nhưng có nước lại tắt sóng mạng 3G trước.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt - đó là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu.
Tuy nhiên, trong Hội nghị ASEAN về 5G tháng 10/2022, các nước có chiến lược phát triển 5G bày tỏ họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, cần phải hợp tác để phát triển về tiêu chuẩn, công nghệ, an toàn thông tin…
Khó khăn của Việt Nam nằm ở việc dù số người dùng smartphone bắt đầu tăng mạnh trong vài năm qua, lượng người sử dụng feature phone (điện thoại cơ bản) vẫn tương đối lớn. Căn cứ vào số thuê bao phát sinh dữ liệu, Việt Nam vẫn còn khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không có nhu cầu sử dụng data trên smartphone.