Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP sáng 11/1 (Ảnh: Chinhphu.vn).
|
Theo Bộ Y tế, tình hình ATTP trên toàn quốc trong 3 năm từ 2016 - 2019 đã có những chuyển biến rõ rệt: Khởi tố 28 vụ án với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gồm sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol; tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh từ đầu năm 2017, tới năm 2018 chỉ còn 0,2% thực phẩm vi phạm, so với năm 2016 là 1,76%.
Tỷ lệ tiêu thụ các nông sản tại siêu thị, cửa hàng tiện ích được kiểm soát ATTP đã tăng từ 10% lên 30%. Trong khi đó, số lượng tiêu thụ ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống giảm từ 90% xuống còn khoảng 70%.
Năm 2019, toàn quốc có 76 vụ ngộ độc thực phẩm, gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, đã giảm được 32 vụ ngộ độc, (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).
Theo Bộ Y tế, thách thức lớn nhất trong công tác đảm bảo ATTP là kiểm soát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 8 triệu hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP do làm việc theo các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng mà không tuân thủ các quy trình khoa học, vệ sinh... Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các cơ sở nhỏ lẻ cũng không đảm bảo.
Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
|
Phát biểu tại buổi hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao, để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh ATTP như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu; phải ý thức đầy đủ về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,.
“Việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc. Những hành vi này cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm” - Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra một số định hướng, làm kim chỉ nam cho các hành động về ATTP, yêu cầu năm 2020 phải có bước chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác ATTP ở tất cả các cấp.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm ATTP, nhấn mạnh đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.
Hội nghị hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm ATTP sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 13.
|
Để làm được điều đó, cần có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Thủ tướng cho biết, Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế; đề xuất mô hình tổ chức quản lý ATTP ở địa phương; Quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; Hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ, trình Thủ tướng phê duyệt; Đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP.
Sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu văn Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng để ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý Nhà nước đối với ATTP.