|
1. Tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh
Đây là một xu hướng được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2024. Tìm kiếm bằng hình ảnh đặc biệt hữu ích đối với những khách hàng có sẵn hình ảnh về sản phẩm. Họ có thể chụp hoặc tải lên một bức ảnh của sản phẩm, trợ lý ảo của doanh nghiệp hoặc máy tìm kiếm sẽ cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm đó. Ở Việt Nam, bạn có thể sử dụng tính năng này trên Shopee, hay trên trang web thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc Taobao.
Theo trang Adroit Market Research, dự báo công nghệ tìm kiếm bằng hình ảnh sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR là 17,5%, giá trị đạt hơn 32 triệu USD vào năm 2028. Hiện có 62% thế hệ Millennials và Gen Z muốn sử dụng dịch vụ tìm kiếm bằng hình ảnh nhưng chỉ có khoảng 8% nhãn hàng cung cấp chức năng này.
Đối với tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, nhờ sự hoàn thiện dần của các trợ lý ảo như Siri, Google Assistant và Alexa mà việc tìm kiếm bằng giọng nói sẽ trở nên phổ biến hơn. Thống kê của Hubspot cho thấy khoảng 40% người dùng Internet ở Mỹ sử dụng tính năng này qua các thiết bị thông minh như smartphone, máy tính cá nhân. Vì thế các doanh nghiệp hay các sàn TMĐT có thể tăng cường tích hợp tính năng tìm kiếm bằng giọng nói để cải thiện trải nghiệm mua sắm của người dùng.
Trên thực tế, Wall Mart đã cho phép khách hàng sử dụng giọng nói để đặt mua bất cứ sản phẩm nào thông qua Google Express.
2. Shoppertainment
Đây là hình thức mua sắm kết hợp với yếu tố giải trí để tạo ra trải nghiệm mua sắm thú vị và độc đáo. Đặc điểm của Shoppertainment là ảnh hưởng của cảm xúc và tâm lý bốc đồng trong các quyết định mua hàng.
Theo số liệu của TikTok, Shoppertainment đã đem lại các hiệu ứng:
- Ở Đông Nam Á, 82% người tiêu dùng mua hàng từ các công ty mà họ ít khi sử dụng.
- 55% người tiêu dùng đã mua hàng ngoài kế hoạch.
- Sau khi xem video trên TikTok, 89% người tiêu dùng đã mua hàng ngoài kế hoạch.
- Một nửa số người dùng TikTok thú nhận đã tìm thấy thương hiệu hoặc sản phẩm mới khi sử dụng ứng dụng.
Shoppertainment có các xu hướng liên quan như Livestream shopping (người tiêu dùng có thể tương tác với người bán trực tiếp qua livestream); Thương mại mạng xã hội (mua sắm qua nền tảng mạng xã hội, được thống kê là có quyết định mua sắm cao gấp 1,3 lần so với các hình thức mua sắm trực tuyến khác); Kết hợp trò chơi với mua sắm (ví dụ shopee có các game để người dùng tích điểm thưởng để chi tiêu và mua sắm nhiều hơn).
3. D2C (Direct to Consumer)
Đây là mô hình mà doanh nghiệp sản xuất, phân phối và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, không thông qua các kênh trung gian.
Xu hướng D2C đang phát triển khá mạnh mẽ. Theo thống kê của Statista, Ở Mỹ, doanh số D2C đạt 213 tỉ USD vào năm 2023. Thị trường D2C toàn cầu dự đoán đạt hơn 450 tỉ USD vào năm 2025.
Sự phát triển mạnh mẽ của D2C là do người mua ngày càng tìm kiếm nhiều sản phẩm trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất bởi chi phí hợp lý, trải nghiệm cá nhân hóa và sự tiện lợi. Một cuộc khảo sát ở Nga cho thấy hơn 50% khách hàng cho biết mua trực tiếp từ các doanh nghiệp D2C rẻ hơn so với mua qua trung gian. Nắm bắt được xu hướng này, Nike đã triển khai kênh Nike Direct để bán hàng trực tiếp cho người mua, giúp doanh thu của kênh này đạt 12,4 tỉ USD, chiếm 35% tổng doanh thu của hãng.
4. Mua hàng từ nước ngoài
Trước đây, người tiêu dùng thường mua sắm trên các trang thương mại điện tử với đa phần là tập hợp các nhà cung cấp trong nước. Nhưng dần dần các nhà cung cấp nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các kênh như Shopee, Lazada, TikTok Shop. Không chỉ vậy, người tiêu dùng Việt Nam trực tiếp truy cập vào các website nước ngoài để mua sắm.
Theo thống kê của CafeF, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website nước ngoài đã tăng từ 36% trong năm 2020 lên 43% vào năm 2021; Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các website nước ngoài cũng tăng mạnh từ 49% trong năm 2020 lên 56% vào năm 2021; Tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn TMĐT Việt Nam cũng tăng từ 41% (2020) lên 57% (2021).
5. Giao nhận trong ngày
Người tiêu dùng luôn mong muốn nhận được món hàng mình đặt mua trực tuyến một cách nhanh nhất. Theo thống kê của Invespcro, hơn 50% người tiêu dùng nói rằng nếu nhận được hàng trong ngày sẽ kích thích họ mua sắm nhiều hơn. Còn theo Statista thì thị trường giao nhận hàng trong ngày sẽ đạt giá trị 14,9 tỉ USD vào năm 2024.
Thực tế thì ngành logistic Trung Quốc đã phát triển tới mức nhiều khu vực đã có thể giao nhận trong ngày. Các doanh nghiệp giao nhận của Việt Nam trong hiện nay thời gian giao nhận trung bình từ 2-3 ngày và nếu nỗ lực cải thiện dây chuyền, thủ tục thì họ có thể giao nhận trong ngày.
Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ phân loại và kho vận, các công ty logistic có thời gian giao hàng ngắn sẽ chiếm được khách hàng, ngược lại, họ sẽ có nguy cơ mất khách vào tay các đối thủ cạnh tranh.
6. Cá nhân hóa
Trong năm 2024, các doanh nghiệp phải tìm cách mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm phù hợp với sở thích cá nhân của họ. Doanh nghiệp bán hàng phải phân loại được từng đối tượng khách hàng, sở thích, thói quen mua sắm của họ.
Theo thống kê của Statista, doanh thu của các doanh nghiệp TMĐT tăng 25% khi cung cấp trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa. 67% doanh nghiệp cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào mua sắm cá nhân hóa trong tương lai.
Các chuyên gia thương mại điện tử dự đoán xu hướng cá nhân hóa trong năm 2024 sẽ phát triển theo 2 cách: Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng (hiển thị sản phẩm dựa trên lịch sử và thói quen mua sắm); Cá nhân hóa thông tin quảng cáo (sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng để tối ưu hóa quảng cáo theo nhu cầu từng cá nhân).
7. Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR)
Sự phát triển của công nghệ cũng như các thiết bị VR, AR sẽ dẫn đến khả năng cung cấp loại hình mua sắm trực tuyến qua thế giới ảo, hay khả năng thử đồ online.
Nhờ công nghệ VR hay AR mà người mua có thể nhìn thấy sản phẩm ở không gian 3 chiều thông qua thiết bị cầm tay của họ. Công nghệ AR, VR hứa hẹn cho phép người dùng thử đồ, make up, trang trí nhà cửa, hỗ trợ hướng dẫn sử dụng sản phẩm
Thống kê của Statista cho thấy 16% người Mỹ ưa thích hình thức mua sắm AR. Công ty ứng dụng AR tốt nhất có thể kể đến là IKEA. Thương hiệu đồ nội thất của Thụy Điển này cách đây nhiều năm đã cho ra mắt ứng dụng IKEA Place cho phép khách hàng chiêm ngưỡng các sản phẩm nội thất dưới dạng 3D rất trực quan và sinh động.
Khi các mẫu kính VR, AR như Oculus Rift (Meta) hay HoloLens (Microsoft), hoặc sắp tới đây là Vision Pro (Apple) ra mắt và trở nên phổ biến hơn, sẽ thúc đẩy hình thức mua sắm ảo mà người mua có thể chiêm ngưỡng sản phẩm trực quan như trong thế giới thực.