6 năm sau câu nói kinh điển 'ngu gì không làm thép' của ông Lê Phước Vũ, Hoa Sen làm ăn thế nào? |
Tháng 9/2016, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để lấy ý kiến cổ đông về "dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận".
'Siêu dự án' có tổng vốn đầu tư 10,6 tỉ USD, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho HSG.
Trước khán phòng chật kín chỗ ngồi, Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ đã có câu nói mà đến nay vẫn được xem là kinh điển của ngành thép: "Nhìn Hòa Phát quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng, 80% là từ thép, thì ngu gì không làm". Câu nói của nhà sáng lập HSG ngay lập tức đã 'gây sốt' trên truyền thông và các diễn đàn đầu tư.
Khi ấy, nhắc tới các doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, Hoa Sen của 'đại gia' Lê Phước Vũ và Hòa Phát (Mã CK: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long là những cái tên nổi bật bậc nhất về quy mô, thị phần, cũng như sự nhanh nhạy với diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, tới tháng 7/2020, HSG chính thức tuyên bố từ bỏ 'siêu dự án' thép Cà Ná. Tập đoàn của ông Lê Phước Vũ sau đó tỏ ra đuối sức trên thị trường tôn mạ trước sự cạnh tranh của HPG - với vị thế gia tăng đáng kể sau dự án thép Dung Quất.
6 năm sau câu nói kinh điển của ông Lê Phước Vũ, HSG và nhiều doanh nghiệp thép đang đứng trước những thách thức chưa từng thấy.
Trong quý 4 niên độ 2021 - 2022 (từ 1/7-30/9/2022), HSG ghi nhận khoản lỗ kỷ lục, lên tới 887 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 940,3 tỉ đồng).
Trong kỳ, doanh thu thuần của HSG đạt 7.939,1 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, HSG báo lỗ gộp 230,6 tỉ đồng.
Không chỉ riêng HSG, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết cũng báo lỗ, kể như: HPG (1.774 tỉ đồng), Nam Kim (419 tỉ đồng), SMC (188 tỉ đồng), Pomina (716 tỉ đồng).
Nhìn lại năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy HSG và nhiều doanh nghiệp thép vào tình cảnh khó khăn. Giá thép cán nóng sụt giảm đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp 'không kịp trở tay' khi hàng tồn kho quá cao.
Đứng trước khó khăn đó, ông Lê Phước Vũ đã quyết định giảm giá bán để đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, đảm bảo tính thanh khoản và có nguồn tiền mua vào nguyên vật liệu giá rẻ. Nhờ đó, HSG đã có được ưu thế lớn khi giá thép phục hồi.
Khó khăn chung của ngành thép
Diễn biến của thị trường thép trong nước nói chung và HSG nói riêng tương đồng với tình hình thép thế giới, phản ứng với khó khăn chung của nền kinh tế.
Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá trị xuất khẩu thép, tính chung chín tháng năm 2022 đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước đang ở mức thấp, xuất khẩu giảm mạnh do giá cao hơn giá khu vực. Sản lượng bán hàng đạt 920.248 tấn, giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9/2021.
Nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế ở mức thấp do thị trường bất động sản đóng băng, xây dựng đình trệ, xuất khẩu giảm do giá cao hơn giá thế giới. Quan hệ Nga – Ucraine xung đột, lạm phát, tiềm ẩn khả năng suy thoái của nền kinh tế thế giới cũng là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu suy giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.
Xuất khẩu suy giảm nguồn cung trong nước tăng khiến tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của ngành thép nói chung và HSG nói riêng./.