Chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 510/TTg-KTN ngày 18/4/2014.
Ngày 22/4/2015, Thủ tường tiếp tục ký ban hành văn bản số 562/TTg-KTN, cho phép sử dụng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án theo hướng đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4D đoạn từ Km103-Km137 đảm bảo quy mô đường cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường Eyc ≥140Mpa; Xây dựng mới tuyến đường theo hướng nối dài tỉnh lộ 155 với quy mô đường cấp IV miền núi; Kết cấu mặt đường đảm bảo Eyc ≥140Mpa.
Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trên cơ sở này, ngày 15/7/2015, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 2193/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như hoàn thiện các thủ tục khác liên quan.
Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Lộc – Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng miền Trung – Công ty Cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An (tên viết tắt là Liên danh Cường Thịnh Thi - Phúc Lộc - Xây dựng miền Trung - Khánh An).
Dự án sẽ được triển khai từ Quý I năm 2016 và hoàn thành trong Quý I năm 2019 với tổng mức đầu tư là 2.518 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay của nhà đầu tư và nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ).
Liên quan đến dự án, được biết, hồi đầu năm 2015, tỉnh Lào Cai đã trình Bộ GTVT dự án này với tổng mức đầu tư là 3.235 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 1.006 tỷ đồng (chiếm 31% tổng mức đầu tư), ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.228 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi đó Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM) đã bác bỏ đề xuất này và cho rằng ngân sách hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng cho dự án là không khả thi và yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn điều chỉnh lại thiết kế và tính toán lại tổng mức đầu tư.Sau khi điều chỉnh và tính toán lại, vốn cho dự án được rút xuống mức 2.518 tỷ đồng.
Tính ra với tổng chiều dài cả dự án là 51,4km thì mỗi km đường sẽ có giá trị đầu tư bình quân lên tới 50 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vì được thực hiện theo hình thức BOT, nên sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được quyền vận hành, khai thác dự án trong một khoảng thời gian để thu hồi vốn.
Được biết, đối với dự án Đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa, thời gian thu phí hoàn vốn toàn bộ dự án khoảng 24 năm.
Tức là nếu theo đúng kế hoạch, Liên danh Cường Thịnh Thi - Phúc Lộc - Xây dựng miền Trung - Khánh An sẽ được vận hành khai thác công trình giao thông này đến năm 2043.
Phạm vi, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án
Dự án gồm 2 tuyến nâng cấp QL4D và xây dựng mới tỉnh lộ 155 đi qua huyện Sa Pa, Bát Xát và thành phố Lào Cai, với tổng chiều dài cả dự án là 51,4km, trong đó:
+ Quốc lộ 4D đoạn từ Km108 – Km137+055: Đoạn Km108 – Km110+778, đi chung nền với tuyến TL155, quy mô mặt cắt ngang mở rộng 4 làn Bn/Bm = 16,5/15,5m; Đoạn Km110+778 – Km137: cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi có châm chước, các đoạn đi chung nền với TL155, quy mô mở rộng 4 làn Bn/Bm=15m/14m, đoạn qua đô thị quy mô Bn/Bm=16,5/15,5m; Loại, cấp công trình: Công trình giao thông đường bộ, cấp II; Tổng chiều dài: 29,200km.
+ Tỉnh lộ 155: Xây dựng mới tuyến đường theo hướng nối dài Tỉnh lộ 155 phù hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông của tỉnh, theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Các đoạn đi chung nền với QL4D được mở rộng mặt cắt ngang phù hợp với từng phân đoạn của QL4D, đoạn qua khu vực thị trấn Sa Pa quy mô Bn/Bm=26,5/15m; Loại, cấp công trình: Công trình giao thông đường bộ, cấp II; Tổng chiều dài nghiên cứu TL155 khoảng 22,2km.
- Phương án tổ chức giao thông dự kiến: Các phương tiện tham gia giao thông theo hướng Lào Cai – Sa Pa đi trên QL.4D, theo hướng Sa Pa – Lào Cai đi trên tuyến Tỉnh lộ 155.
Hữu Vinh