50 công ty nước ngoài nằm trong danh sách "đen" vì có thuốc vi phạm chất lượng

50 công ty nước ngoài nằm trong danh sách “đen” vì có thuốc vi phạm chất lượng

VietTimes - Theo danh sách mới nhất mà Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa công bố, có tới 50 công ty sản xuất thuốc nước ngoài (thuộc 9 quốc gia) có thuốc vi phạm chất lượng, phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu.
50 công ty có thuốc vi phạm
50 công ty có thuốc vi phạm

Trong số này, có tới 38 công ty thuộc Ấn Độ, 2 công ty mang quốc tịch Trung Quốc, 3 công ty của Hàn Quốc, 2 của Pakistan, 2 công ty của Mỹ, còn lại, Ba Lan, Nga và Rumami mỗi nước đều có một công ty nằm trong danh sách.

 Đáng lưu ý khi có tới 47/50 Công ty nằm trong danh sách có thuốc vi phạm chất lượng đã được công bố từ các đợt trước. 3 công ty có thuốc vi phạm chất lượng vừa bổ sung vào tháng 4/2019 là Công ty Polfarmex S.A của Ba Lan; Công ty Crown Pharm. Co Ltd của Hàn Quốc và Công ty Medopharm của Ấn Độ.

Danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm
Danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm 

Trong 50 công ty trên, những công ty có số lần vi phạm nhiều nhất đều của Ấn Độ như Syncom Formulations (India) Ltd. với 4 lần vi phạm ở mức 3 và 12 lần vi phạm ở mức 2; AMN Life Science Pvt., Ltd. có 3 lần vi phạm ở mức 3 và 5 lần vi phạm ở mức 2; Công ty Marksans Pharma Ltd với 5 lần vi phạm ở mức 3 và 3 lần vi phạm ở mức 2; Công ty Medico Remedies Pvt., Ltd đã 4 lần vi phạm ở mức 3 và 2 lần vi phạm ở mức 2; Công ty  Minimed Laboratories Pvt., Ltd. có 6 lần vi phạm ở mức 3 và 2 lần vi phạm ở mức 2 vv…

Ngoài ra, Mỹ cũng có Công ty Robinson Pharma Inc.  với 1 lần vi phạm ở mức 3 và 2 lần vi phạm ở mức 2.

Đặc biệt, có nhiều công ty nằm trong danh sách có thuốc vi phạm chất lượng phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu từ năm 2013 và đa phần số này cũng là của Ấn Độ, như Công ty ACI Pharma Pvt., Ltd.; Clesstra Healthcare Pvt., Ltd.; Euro Healthcare; Fine Pharmachem; Lekar Pharma Ltd.; Navegal Laboratories; Maiden Pharmaceuticals Ltd. Riêng Sintez Joint Stock Company là của Nga v.v…

Từ danh sách này, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị thanh tra, quản lý dược và kiểm nghiệm thuốc thuộc Sở tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu lưu hành trên địa bàn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Công bố này của Cục Quản lý Dược là lời cảnh báo cho các bệnh viện cũng như người cần thận trọng với nguồn thuốc từ các công ty có mặt trong danh sách "đen".

Theo Bộ Y tế, hàng năm, các hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Tỉ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện chiếm khoảng 1,5 – 2,0% và tỉ lệ thuốc giả dưới 0,05%.

Cục Quản lý Dược cho biết đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.