Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E...
Bão lụt gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch , an toàn. Thực phẩm có thể bị ách tắc do phương tiện vận chuyển hạn chế. Không chỉ vậy, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.
Để bảo đảm vệ sinh sau bão lụt, người dân cần chủ động tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng (nhà bếp, giếng nước...); đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, đặc biệt chú ý việc đảm bảo đun sôi nước trước khi uống; xử lý, khử trùng nguồn nước trước khi sử dụng, nhất là nước trong ăn uống; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
Người dân ruyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm; nên bổ sung thức ăn tươi, giàu vitamin và ăn chín, uống sôi.
Để giúp người dân có thể tự bảo vệ mình và gia đình trong mùa bão lũ, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần tuân thủ 5 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; sau mỗi lần đi vệ sinh.
- Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
Nguyên tắc 2: Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín
- Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
- Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống.
- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ôn nhiễm giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Nguyên tắc 3: Đun nấu kỹ
- Đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản
- Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ.
- Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần.
Nguyên tắc 4: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn: từ 5 đến 60 độ C
- Làm lạnh ngay và bảo quản ở tủ lạnh tất cả các thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay.
- Giữ phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ >60 độ C trước khi ăn.
Nguyên tắc 5: Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn
- Sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm.
- Lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, an toàn.
- Rửa sạch rau và hoa quả, đặc biệt với các loại rau quả ăn sống.
- Không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo.