Chương trình nhân văn giúp người bệnh tiếp cận thuốc
Tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chính sách về hỗ trợ thuốc do Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vào chiều nay, 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ thuốc cho cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) để điều trị cho người bệnh theo Thông tư số 31/2018/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư 31, Bộ Y tế đã phê duyệt 18 chương trình hỗ trợ thuốc, với trên 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp nhận.
Các chương trình hỗ trợ thuốc có giá trị thiết thực, giúp cho người bệnh giảm chi phí điều trị, số người bệnh được tiếp cận điều trị thuốc, đặc biệt là các loại biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí cao, mà chưa được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thuấn cũng cho hay: Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai Thông tư 31 cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp, như quy định về phạm vi áp dụng của hình thức hỗ trợ thuốc một phần, quy định về hồ sơ, thủ tục phê duyệt chương trình, quy định về việc đề xuất thay đổi nội dung chương trình trong thời gian đang thực hiện chương trình…
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Vụ BHYT Bộ Y tế - sau gần 5 năm thực hiện, có 18 chương trình hỗ trợ thuốc, trong đó, 12 chương trình hỗ trợ thuốc cho người mắc bệnh ung thư (66,67%); 2 chương trình hỗ trợ thuốc có trong danh mục thuốc BHYT chi trả (Simponi, Stelara).
2 chương trình có nhiều người bệnh tham gia nhất là hỗ trợ thuốc Keytruda (pembrolizumab) cho người bệnh ung thư (2.450 người bệnh, chiếm 40,5%); chương trình hỗ trợ thuốc Tagrisso (osimertinib) cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, có 1.612 người bệnh (chiếm 26,6%).
Chương trình có ít người bệnh tham gia nhất hỗ trợ thuốc Hemlibra (emicizumab) cho người bệnh Hemophillia A chỉ có 6 người.
Tổng giá trị thuốc đã hỗ trợ là 1.600 tỷ đồng, trung bình mỗi người bệnh được hỗ trợ 264 triệu đồng.
Có 2 chương trình có giá trị lớn nhất: Hỗ trợ thuốc Keytruda: 734,6 tỷ đồng (chiếm 46%), hỗ trợ thuốc Tagrisso (osimertinib) cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ: 625,9 tỷ đồng (chiếm 39%). Đây cũng là chương trình có thời gian triển khai dài nhất, hơn 9 năm (4/2020 – 6/2029).
Nhiều bất cập cần sửa đổi
Là đơn vị đang triển khai 11 chương trình hỗ trợ thuốc, đại diện Bệnh viện K cho biết: Mỗi chương trình hỗ trợ thuốc có thủ tục hành chính và quy trình thực hiện khác nhau, nên mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục hành chính trước khi được nhận thuốc viện trợ.
Thuốc thương mại không trong danh mục thuốc đấu thầu của viện nên người bệnh phải mua tại nhà thuốc
Theo Thông tư 31, người kê đơn phải được người đứng đầu của bệnh viện giao tham gia chương trình bằng văn bản. Do vậy, hàng năm bệnh viện phải bổ sung danh sách để bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh.
Đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng cho biết: Chương trình quản lý khá phức tạp, nhiều đơn vị tham gia. Chi phí điều trị của thuốc điều trị bệnh ung thư còn cao so với điều kiện kinh tế của người bệnh ung thư tại Việt Nam trong khi thời gian điều trị kéo dài, khiến nhiều người bệnh dừng chương trình vì không đủ điều kiện kinh tế.
TS. Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM - đề xuất: Thông tư nên quy định các chương trình đã triển khai có điều khoản đảm bảo quyền lợi sử dụng thuốc của bệnh nhân tham gia chương trình cho đến khi kết thúc điều trị, để chương trình càng mang rõ ý nghĩa nhân văn.
Các bệnh viện, doanh nghiệp cho rằng, hiện các chương trình hỗ trợ thuốc phải được Bộ Y tế phê duyệt trước khi thực hiện là không cần thiết, mà nên phân cấp cho các cơ sở KCB tự trao đổi, thống nhất với các cơ sở kinh doanh dược và ký hợp đồng thực hiện. Điều này sẽ giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính, đồng thời, rút ngắn thời gian người bệnh được tiếp cận thuốc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ thuốc cũng nghiên cứu nên mở rộng cho các thuốc đã hết bảo hộ độc quyền, thuốc sinh phẩm hoặc cả thuốc generic, để tăng khả năng tiếp cận thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Nhiều đơn vị cho rằng quy định hồ sơ có “Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động kèm phạm vi chuyên môn được duyệt của cơ sở KCB” gây phiền hà cho cơ sở kinh doanh dược, nhưng không mang ý nghĩa cho Hội đồng khi phê duyệt chương trình.
Hiện cũng chưa có quy định về hồ sơ, thủ tục khi có đề xuất thay đổi nội dung, phạm vi, hình thức của chương trình trong thời gian đang thực hiện: Thay đổi về phạm vi thực hiện tại các bệnh viện, về đối tượng áp dụng, về người bệnh tham gia, về phạm vi chỉ định thuốc; về hình thức hỗ trợ; về thuốc hỗ trợ vv…
Bộ Y tế tiếp thu và sẽ sửa đổi
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Vụ BHYT đã đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 31 để giải quyết căn bản các vướng mắc mà các đơn vị nêu ra, với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân được tiếp cận với các thuốc.
Cùng chủ trì hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - đánh giá cao Vụ BHYT khi đã lắng nghe ý kiến các bệnh viện, doanh nghiệp để soạn thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 31.
Bà Xuyên cho rằng, tới đây, quy định hồ sơ phê duyệt chương trình hỗ trợ thuốc phải rõ ràng, đơn giản hơn.
Tổng kết hội thảo, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT - khẳng định 5 năm qua, việc thực hiện Thông tư 31 đã mang lại nguồn tài chính hỗ trợ người bệnh điều trị, có tính nhân văn nên cần tiếp tục. Mong các doanh nghiệp dược tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế và giảm giá thuốc hơn nữa để giảm chi tiền túi cho bệnh nhân.
“Vụ BHYT sẽ nghiên cứu và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp về phạm vi chương trình, bổ sung, hồ sơ thủ tục, liên thông với các thủ tục khác vv… để sớm hoàn thiện Thông tư sửa đổi Thông tư 31 và việc triển khai thuận lợi nhất, đáp ứng thực tiễn” - bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.