5 năm nội chiến ở Syria đã thay đổi thế giới ra sao?

Theo thông báo của đặc sứ Liên hiệp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura, ngày mai 14-3, chính phủ Syria và phe đối lập sẽ tham gia vòng đàm phán hòa bình mới tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của LHQ nhằm thảo luận tương lai của Syria.
Cảnh tượng tan hoang ở TP Homs, phía tây Syria sau 5 năm nội chiến. Ảnh: AP

Vòng đàm phán mới diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 5 năm ngày cuộc nội chiến ở Syria nổ ra (15-3-2011), mang lại niềm hy vọng chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hơn 270.000 người thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải ly tán.

Hãng tin AP nhìn nhận cuộc nội chiến ở Syria đã tác động đến chính trị toàn cầu trên năm phương diện

Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo

Cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra khoảng trống quyền lực, giúp một nhánh bạo lực ít được biết đến của Al-Qaeda vươn lên trở thành một tổ chức khủng bố đáng sợ nhất trên hành tinh, đó là tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Năm 2014, IS chiếm giữ Raqqa, thành phố phía đông Syria và tiếp tục đánh chiếm thành phố Mosul của Iraq. Cuối cùng, IS đã kiểm soát một khu vực rộng lớn nằm giữa biên giới Iraq-Syria, có diện tích bằng nước Anh. IS thu cướp vũ khí, tích lũy của cải và thu nhận thành viên mới trong quá trình vươn vòi kiểm soát lãnh thổ. Sự bành trướng của IS hầu như không vấp phải kháng cự đáng kể nào của chính phủ Syria vốn đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại phe nổi dậy ở các khu vực đông dân cư nằm sát bờ biển Địa Trung Hải.

IS đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong khu vực và trên thế giới thông qua những hành động thảm sát những người thiểu số, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, hành quyết tù binh bằng những phương thức man rợ nhất. IS tàn phá các di sản văn hóa thế giới bao gồm các đền thờ ở khu thành cổ thuộc thành phố Palmyra (Syria), cướp bóc cổ vật và tuồn chúng ra khắp toàn cầu.

IS phát động một làn sóng tấn công khủng phố từ Pháp cho đến Yemen đồng thời thiết lập một căn cứ dự phòng ở phía bắc Libya. Có lẽ, điều gây lúng túng nhất cho các chính phủ phương Tây là hàng ngàn thanh niên trẻ, bao gồm cả phụ nữ từ châu Âu, không phải tất cả đều có nguồn gốc Hồi giáo, đã đổ xô gia nhập IS.

Một người cha khóc nức nở bên thi thể con trai ở TP Aleppo, Syria. Cuộc nội chiến ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người dân Syria. Ảnh: AP.

Nước Nga hồi sinh

“Chỉ có một người trên hành tinh này có thể chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria bằng một cú điện thoại và đó chính là ông Putin”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã nói như vậy trong một cuộc trò chuyện gần đây trên đài truyền hình BBC.

Cuộc nội chiến ở Syria đã giúp Nga hồi sinh mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiết lập vị thế mới ở Trung Đông sau khi lặng lẽ quan sát Mỹ điều khiển khu vực trong nhiều năm trời.

Nhận thấy rằng việc dồn dập gửi vũ khí, cố vấn quân sự, trợ giúp kinh tế cho Tổng thống Syria Bashar Assad không tạo ra được hiệu quả rõ rệt trên chiến trường Syria, tháng 9 năm ngoái, ông Putin đã bất ngờ triển khai không quân đến Syria để oanh tạc các đối thủ của chính phủ Syria. Bạo lực ở Syria lắng xuống trong thời gian gần đây phần lớn là do Nga chủ động giảm cường độ oanh tạc. Kế hoạch của Nga đối với tương lai Syria vẫn chưa bộc lộ rõ nhưng chiếc ghế lãnh đạo Syria trong thời gian tới chắc chắn phải phụ thuộc nhiều vào quyết định của ông Putin.

Châu Âu bất ổn

Khi các nước châu Âu đạt được các thỏa thuận biên giới mở vào cuối thế kỷ trước, cho phép người dân tự do đi lại trong khu vực, họ đã không lường trước rằng chỉ trong vòng một năm (2015), phải đón nhận hơn một triệu người nhập cư, phần lớn là người tỵ nạn từ Syria.

Hàng ngàn người tỵ nạn đã thiệt mạng khi cố tìm cách vượt biển trên những con thuyền thô sơ để đến châu Âu và điều này đã đặt ra một phép thử khó khăn về lương tâm và đạo đức đối với châu lục này. Dòng người tỵ nạn đã làm nảy sinh những tình cảm trái ngược ở châu Âu, đó là lòng bao dung và tâm lý bài ngoại. Sự xung khắc này đã làm lung lay nền móng cốt lõi của thỏa thuận biên giới mở.

Nhiều nước châu Âu giờ đây đã dựng các rào chắn dọc theo tuyến đường di chuyển của người tỵ nạn ở vùng Balkan trải dài từ Hy Lạp đến Đức sau một thời gian ban đầu cho phép hàng trăm ngàn người tỵ nạn đi qua.

Người tỵ nạn Syria nằm ngủ trên đường ray xe lửa ở làng Idomeni, Hy Lạp. Ảnh: Reuters.

Các nhóm người tỵ nạn đang phải sống trong các điều kiện thiếu thốn ở các nước đông nam châu Âu. Nhiều người đang mòn mỏi chờ nhà chức trách xử lý đơn xin tỵ nạn hoặc đang cư trú bất hợp pháp.

Cuộc tấn công khủng bố mà IS tiến hành ở Paris vào tháng 11 năm ngoái, mặc dù chủ yếu do các công dân Pháp và Bỉ thực hiện, đã dẫn đến các chỉ trích an ninh lẫn nhau trong nội bộ châu Âu và giúp củng cố sức mạnh cho các nhà chính trị thuộc phe cực hữu và dân tộc chủ nghĩa.

Những lo ngại an ninh lan đến cả Mỹ, nơi ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa Donald Trump đã gây sốc cho nhiều người với đề xuất cấm tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Các nước láng giềng kiệt quệ

Cuộc khủng hoảng người tỵ nạn nhập cư ở châu Âu chẳng là gì nếu so với những gánh nặng kinh tế, xã hội mà dòng người tỵ nạn Syria mang đến cho các nước láng giềng. Chỉ riêng ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan đang tiếp nhận khoảng 4,4 triệu người tỵ nạn Syria. Số người tỵ nạn Syria ở Lebanon chiếm hơn 1/5 tổng dân số nước này.

Chiến sự ở Syria cũng lan ra nước láng giềng Lebanon khi phe ủng hộ Tổng thống Assad và phe ủng hộ quân nổi dậy Syria ở nước này tấn công lẫn nhau. Cuộc xung đột ở Syria cũng làm trỗi dậy những căng thẳng sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người Kurd đang đấu tranh đòi ly khai.

Thanh thế của Iran gia tăng

Cuộc nội chiến ở Syria đã tái cân bằng các trục quyền lực trong khu vực. Hiện nay, phạm vi ảnh hưởng của người Hồi giáo Shiite ở Iran đã mở rộng từ Beirut (Lebanon) cho đến Tehran (Iran). Các chính phủ ở Baghdad (Iraq) và Damascus (Syria) đang phụ thuộc vào sức mạnh của người Hồi giáo Shiite. Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Iran đã thăm Nga vào năm ngoái và thường xuyên ra các chỉ đạo triển khai quân sự ở Syria và Iraq.

Tại Lebanon, tổ chức chính trị vũ trang Hezbollah đại diện cho quyền lực của Iran. Tổ chức này đã gửi hàng ngàn tay súng sang Syria hỗ trợ chính phủ Iran chống phe nổi dậy.

Ả rập Saudi, đại diện cho sức mạnh của người Hồi giáo Sunni trong khu vực đang phải xoay sở duy trì sự ủng hộ với với phe nổi dậy người Hồi giáo Sunni ở Syria cũng như đang vất vả chống trả các phiến quân người Hồi giáo Shiite được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Theo AP/TBKTSG