Tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số với chủ đề “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, Ts. Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam) đánh giá Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh và quyết liệt, theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, việc hồi phục nền kinh tế hậu đại dịch đặt ra nhiều vấn đề.
"Kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy sau dịch để bay lên hay không? Làm sao để doanh nghiệp khôi phục lại? Khả năng đứng dậy của doanh nghiệp như thế nào để nền kinh tế đứng dậy? Tập trung cứu các doanh nghiệp đang rất yếu để hồi sinh hay làm điều gì khác thường hơn, tạo ra một lực lượng doanh nghiệp mới thay máu cho nền kinh tế?" - ông Thiên đặt vấn đề.
Theo quan điểm của vị chuyên gia này, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn có khả năng vực dậy. Một phần nguồn lực khác thì cần dành để cứu trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vì nếu cứu các doanh nghiệp này nên kinh tế sẽ được “thay máu”.
4 cơ hội “lịch sử”
TS. Trần Đinh Thiên chia sẻ về 4 cơ hội “lịch sử” dành cho Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19, bao gồm: (i) Thoát khỏi những tư duy phát triển cũ, trói buộc cũ; (ii) Tiến vượt, đuổi kịp thế giới và đi cùng thời đại; (iii) Thoát khỏi lệ thuộc; (iv) Vươn lên đẳng cấp mới.
Theo ông Thiên, để biến cơ hội thành hiện thực, đầu tiên cần phải “thoát Trung”.
“Thoát Trung” là thoát khỏi những trói buộc xã hội, tập tục, quy định, đồng thời thoát khỏi sự lệ thuộc phát triển, lệ thuộc kinh tế, thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc. Quá trình này có thể không xảy ra ngay lập tức nhưng rõ ràng phải tạo tiền đề để thoát khỏi lệ thuộc, thoát khỏi các thị trường cũ.
“Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nền kinh tế của hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng. Đây là cơ hội để chúng ta vươn lên, không phải vượt qua những nền kinh tế yếu kém mà là những nền kinh tế đang đi trước” - ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Thiên cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hướng tới phải là sáng tạo công nghệ. Việt Nam tuy là điểm sáng nhưng đi sau, còn yếu, lại mở cửa rộng và hội nhập sâu, kinh tế thị trường chưa đầy đủ.
“Chống Covid-19 xong, sau đó phát triển kinh tế thế nào, theo hướng nào, tranh thủ cơ hội gì để thay đổi cấu trúc kinh tế. Nền kinh tế phải thoát ra, không chỉ là công nghệ mà phải là cấu trúc khác” – TS. Trần Đình Thiên bình luận.
Theo đó, Việt Nam muốn tiến lên nền kinh tế số công nghệ cao thì hệ thống nguồn lực trí tuệ phải thay đổi, đồng thời có một hệ thống thể chế tương thích với cấu trúc nguồn lực thay đổi đó.
Ông Thiên băn khoăn: "Sau Covid-19 mấy nhà máy Samsung thế nào, hàng trăm nghìn người lao động có rủi ro không? Trong khi thế giới tạo cho Samsung là một robot, khả năng robot hóa người lao động Việt Nam đang làm cao nhất thế giới. Đây là thách thức rất lớn cho Việt Nam”.
Ngoài ra, cũng tại buổi sinh hoạt, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe (Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng nguồn lực cần tập trung vào những trụ cột cần cứu, để tạo ra động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giải cứu cũng phải mang tinh thần “chống dịch như chống giặc” vào các giải pháp cho nền kinh tế.
“Phải thành lập một tổ đặc nhiệm giải thoát nền kinh tế. Tất cả mọi thông tin của doanh nghiệp phải đẩy qua mạng. Có nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (như: gói 62 nghìn tỷ đồng, gói bảo hiểm, giãn thuế và gói tín dụng của ngân hàng) nhưng phải xác định được doanh nghiệp nào ảnh hưởng từ 10% – 30%, 30% -50%, 50% - 80% và trên 80%. Nếu cứ mập mờ có doanh chạy được hưởng cả 3 gói, có doanh nghiệp lại không được hưởng gói nào” – ông Hòe bày tỏ quan điểm./.