TS. Trần Đình Thiên tại buổi sinh hoạt của CLB Cafe Số (Ảnh: HB)
|
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số với chủ đề “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, Ts. Trần Đình Thiên (Nguyên viện trưởng viện kinh tế Việt Nam) cho biết dịch bệnh Covid-19 là tình huống đặc biệt với cả thế giới và Việt Nam, là tổng hợp của nhiều vấn đề.
“Covid-19 đẩy nhiều vấn đề trở nên quyết liệt hơn, là tình thế phát triển mới cho Việt Nam. Dịch bệnh là yếu tố kích phát xung đột quốc tế và thời đại, thúc đẩy tư duy lại cấu trúc phát triển. Đây là một tổ hợp vấn đề ít thấy. Covid-19 có giá trị đánh thức, giúp chúng ta nhận thấy “sống thế” không ổn, cần, phải và có thể “sống khác”. Chúng ta chỉ cần 1 chiếc điện thoại di động là có thể ở nhà cả ngày, mua sắm, đi chợ mà không cần ra đường” - ông Thiên nói.
Theo vị chuyên gia này, dịch bệnh đặt ra hàng loạt vấn đề lớn của nhân loại và thời đại, bao gồm: (i) Sự tồn tại tự nhiên - sinh vật của nhân loại; (ii) Vai trò của thời đại công nghệ mới; (iii) Hệ giá trị sống và phát triển; (iv) Trật tự thế giới.
Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Nếu dịch bệnh Covid-19 chỉ là yếu tố kích phát thì khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn.
“Đối với Việt Nam, nếu không nhận diện sự thay đổi này tốt thì chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội mới” - TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Ông Thiên lo ngại việc “tìm cơ trong nguy” vẫn chỉ “chạy” theo kiểu nhặt nhạnh, “nhưng nếu chỉ theo cái cơ đó thì sẽ lùn mãi”. Ngược lại vẫn “có nguy trong cơ”, bởi lẽ nếu không có sự chuẩn bị, không có đủ năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội lớn.
“Vấn đề chúng ta đang đối mặt không chỉ riêng trong vấn đề kinh tế, nếu tách riêng ra chúng ta sẽ gặp bế tắc” - vị chuyên gia lưu ý.
TS. Trần Đình Thiên cho biết, trước dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã trải qua 3 năm tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI trong năm 2019 tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, trong năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 20% nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới giảm tới 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%.
Điều này cho thấy 2 nguy cơ chính. Thứ nhất, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.
Thêm nữa, khu vực FDI đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn kinh tế nhà nước, và hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân.
TS. Trần Đình Thiên tại buổi sinh hoạt (Ảnh: P.D)
|
Bên cạnh đó, việc thu hút khách du lịch đang có đóng góp ngày càng quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Nguồn khách của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
Về giải ngân đầu tư công, theo TS. Trần Đình Thiên, điều đáng lo ngại không phải là giải ngân chậm mà là “giải ngân đầu tư công ngày càng chậm”, “tự ta trói ta”, dẫn đến có tiền mà không giải ngân được. Mặt khác, cấu trúc ngân sách của Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro.
Về năng lực chống chịu, ông Thiên cho biết nền kinh tế của Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nỗi chuỗi. Cấu trúc kinh tế này khiến Việt Nam khó phục hồi, khó trở lại trạng thái “bình thường mới’” sau dịch.
Theo TS. Trần Đình Thiên, việc giải cứu nền kinh tế phải tập tủng vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa) nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Dịch Covid-19 là lý do để thay máu nền kinh tế tốt nhất’ - TS. Trần Đình Thiên chia sẻ quan điểm.
Vị chuyên gia này mong muốn việc khôi phục nền kinh tế sau dịch phải giữ được tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19./.
Video buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số ngày 15/5/2020