|
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi hoàn toàn và ra viện trong niềm hân hoan. Ảnh: Minh Thúy |
Tính đến nay, Việt Nam có 153 ca bệnh mắc COVID-19 và đã có 17 ca khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện. Theo thông tin từ Bộ Y tế, 136 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang được theo dõi, cách ly, điều trị tại 21 cơ sở y tế trong cả nước. Đa số đều có sức khỏe ổn định.
Tin vui trong điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19: Tính đến 19h tối ngày 26/3, đã có 37 bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, trong đó 27 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1; 2 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2; 4 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 3; đặc biệt có 4 bệnh nhân đã âm tính 4 lần là bệnh nhân 29, 45, 53 và 66.
Trong số các bệnh nhân này có 3 trường hợp bình phục và dự kiến sẽ được chuyển cơ sở y tế khác để theo dõi sức khỏe trong ngày mai 27/3. Đó là các bệnh nhân 45, 53 và 66.
Về sức khỏe của 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, có 1 bệnh nhân chỉ định can thiệp ECMO; 2 bệnh nhân còn lại thở ô xy. Liên tục trong những ngày qua, các chuyên gia đầu ngành và bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã và đang nỗ lực hội chẩn, điều trị cho các trường hợp này.
Sáng ngày 26/3, từ Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 tại Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành đã tiếp tục hội chẩn trực tuyến cho các ca bệnh nặng.
Đến thời điểm này, cũng đã ghi nhận 4 nhân viên y tế gồm hai người của Bệnh viện Bạch Mai và 2 người của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mắc COVID-19.
Cũng liên quan đến công tác điều trị dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 3. Điểm đáng lưu ý của hướng dẫn mới nhất là tập trung chính điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về ôxy liệu pháp và đích ôxy máu
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh cần theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của XQ phổi để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/ tiến triển nặng. Vì theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam vừa qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.