Trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn duy trì lượng tiền mặt nhất định để phục vụ cho hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo tính thanh khoản, giảm rủi ro tài chính và chủ động trong các cơ hội đầu tư.
Đối với những doanh nghiệp lớn, việc nắm trong tay hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ tiền mặt không phải là chuyện hiếm.
Ba phần tư chặng đường của năm 2022 đi qua, đồng nghĩa với việc khép lại mùa kinh doanh quý 3, các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm) cũng đã lộ diện với những cái tên không còn xa lạ: ACV, HPG, GAS, VIC, VNM, FPT,…
Tại thời điểm 30/9/2022, thống kê cho thấy có ít nhất 15 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 15 doanh nghiệp này lên đến 351.000 tỷ đồng, tương đương 14,3 tỷ USD, tăng hơn 28.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, 5 doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm 30/9/2022 là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Đáng chú ý, Hòa Phát vẫn đang là “đại gia nhiều tiền nhất sàn chứng khoán” với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng tại thời điểm 30/9 lên 38.911 tỷ đồng, mặc dù đã giảm gần 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. Số dư tiền mặt của doanh nghiệp đầu ngành thép chiếm tới hơn 21% tổng tài sản.
Xếp theo sau, GAS vươn lên trở thành doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt thứ hai với 36.000 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 9, tăng 5.900 tỷ đồng kể từ đầu năm. Tại thời điểm cuối quý 2, Vingroup đang nắm giữ vị trí số 2, song đến hết 30/9, lượng tiền mặt Vingroup nắm giữ đã giảm mạnh xuống hơn 28.000 tỷ đồng, đứng thứ 4.
Tương tự như GAS, các doanh nghiệp như BSR, Sabeco, Novaland, VEAM gia tăng mạnh lượng tiền nắm giữ trong 9 tháng đầu năm.
Trái lại, FPT, VNM, MWG đều giảm lượng tiền mặt nắm giữ so với đầu năm khoảng 1.000 tỷ đồng đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn là ACV (33.341 tỷ), Vingroup (28.446 tỷ), BSR (26.524 tỷ), FPT (24.126 tỷ), SAB (23.463 tỷ),…
Mặt khác, một cái tên out top doanh nghiệp nắm giữ trên 10.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/9 là Tập đoàn Masan (MSN). Lượng tiền cuối quý 3 của MSN đã giảm mạnh gần 15.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 7.725 tỷ đồng, trong khi con số này ở đầu năm là 22.640 tỷ đồng.
Lãi tiền gửi theo đó cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng
Với khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi trong 9 tháng đầu năm. Số tiền này phần nào bù đắp các khoản chi phí lãi vay lớn từ những khoản nợ vay mà các doanh nghiệp phải gánh vác.
Trong cơ cấu, các đại gia tiền mặt trên sàn thường nắm giữ lượng tiền phần lớn dưới dạng tiền gửi ngắn hạn để nhận lãi suất cao hơn so với không kỳ hạn, song vẫn sẵn sàng để sử dụng trong nhiều trường hợp kinh doanh cần thiết.
Trong đó, GAS có một lượng tiền gửi vượt trội so với đầu năm với số dư thời điểm 30/9/2022 lên đến 36.000 tỷ đồng. Khoản tiền gửi "khổng lồ" này mang về cho GAS hơn 888 tỷ đồng tiền lãi trong 3 quý đầu năm. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi của FPT thu về thậm chí còn cao hơn với 1.044 tỷ đồng dù lượng tiền gửi của FPT nắm giữ chỉ ở mức 24.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tuy ACV không có lượng tiền gửi tăng mạnh, song lãi tiền gửi lũy kế hết quý 3/2022 mang về 1.188 tỷ đồng doanh thu.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu ngành sữa Vinamilk cũng thu lợi 885 tỷ đồng lãi tiền gửi khi nắm giữ 22.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Việc lãi suất huy động tăng cũng đồng nghĩa với lãi suất đầu ra cũng tăng cao. Cần lưu ý rằng không ít doanh nghiệp cũng vay nợ hàng trăm tỷ đồng và theo đó, cũng "ngốn" cả trăm tỷ trả lãi vay mỗi quý. Do đó, mặc dù lãi suất huy động tăng chưa đủ để khẳng định tất cả doanh nghiệp trên đều sẽ được hưởng lợi.
(*) Tít bài viết đã được thay đổi. Tít gốc: Những "đại gia" tiền mặt nhiều nhất sàn chứng khoán nắm giữ hơn 350.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với đầu năm
Theo Nhịp sống thị trường