Những ai không thể mua xe trả góp?
Mua xe trả góp là hình thức mua xe rất thịnh hành hiện nay, được áp dụng tại các đại lý/nhà phân phối ô tô trên toàn quốc, bao gồm cả xe mới và xe đã qua sử dụng. Tuy nhiên, trước khi tính đến hình thức mua này, khách hàng cần hiểu rõ những điểm sau để tránh mất thời gian và công sức.
Nợ xấu có thể bị từ chối vay
Đây là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.
Anh Quốc Duy, chuyên viên tín dụng ngân hàng VP Bank tại Hà Nội chia sẻ: "Khi nộp hồ sơ vay trả góp, ngân hàng sẽ "soi" lịch sử mua hàng của khách hàng. Nếu khách hàng từng vay tiền và để lại lịch sử tín dụng xấu như không trả nợ, chậm trả hay nhiều lần xin gia hạn, sẽ bị ngân hàng liệt vào danh sách đen gọi là nợ xấu".
Nợ xấu được chia thành nhiều cấp độ khác nhau, từ nhóm 1 đến nhóm 5. Những khách hàng dính nợ xấu từ nhóm 3 trở lên sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và sẽ bị từ chối cho vay sau khi hồ sơ được gửi lên hệ thống.
Nhóm | Thời gian nợ quá hạn | Thời gian được vay trở lại |
Nhóm 1: Nhóm nợ đủ tiêu chuẩn | Dưới 10 ngày | Có thể xem xét vay ngay |
Nhóm 2: Nhóm nợ cần chú ý | Từ 10 - 30 ngày | Sau 12 tháng |
Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn | Từ 30 - 90 ngày | 5 năm |
Nhóm 4: Nợ nghi ngờ bị mất vốn | Từ 90 - 180 ngày | 5 năm |
Nhóm 5: Nhóm nợ có khả năng mất vốn | Nợ từ 180 ngày trở lên | 5 năm |
* Căn cứ Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2014/TT-NHNN.
Theo ghi nhận thực tế tại một số ngân hàng, khách hàng có nợ xấu ở nhóm 1 hoặc nhóm 2 vẫn có thể tiến hành vay trả góp. Tuy nhiên, việc xét duyệt hồ sơ để ra cam kết cho vay sẽ lâu hơn so với bình thường.
Hiện nay, có nhiều đối tượng giả làm nhân viên tín dụng ngân hàng chèo kéo người dân, cam kết xử lý nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 để làm thủ tục cho vay bình thường. Dịch vụ này thường kèm theo điều kiện phải "bôi trơn" chi phí, có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Đại diện phía ngân hàng VP Bank cũng cho biết: "Để tránh mắc bẫy lừa đảo từ những đối tượng trên, khách hàng nên đến trực tiếp các ngân hàng hoặc thông qua nhân viên của đại lý bán xe để được tư vấn cụ thể, tránh tiền mất tật mang".
Không chứng minh được thu nhập tương xứng
Bất kể ngân hàng nào trước khi làm thủ tục cho vay vốn cũng đều chắc chắn rằng người dùng có khả năng chi trả cho khoản vay. Đó là lý do mà họ cần biết chính xác thu nhập hàng tháng của người dùng sản phẩm.
Khi thu nhập của chủ xe không cân xứng với khoản vay, không đủ khả năng chi trả, phía ngân hàng sẽ từ chối hồ sơ của người dùng.
Ví dụ, khi khách hàng làm hồ sơ vay mua chiếc Toyota Vios trị giá 600 triệu đồng, hồ sơ yêu cầu đơn vị tài chính hỗ trợ mức 400 triệu đồng trong vòng 5 năm. Mức thu nhập hàng tháng của khách hàng phải trên 15 triệu đồng/tháng mới đủ đảm bảo hồ sơ năng lực tương xứng, lúc đó phía ngân hàng mới căn cứ để ra thông báo cho vay.
"Với mức thu nhập như vậy, khách hàng sẽ phải chi trả các chi phí sinh hoạt của cá nhân và gia đình, số tiền còn lại mới đủ để trả vào khoản vay tín dụng mua xe", đại diện ngân hàng cho biết.
Thiếu hồ sơ, giấy tờ không rõ ràng
Khách hàng đang có ý định mua xe trả góp cũng cần lưu ý vấn đề này. Nếu như tài chính ổn, không dính nợ xấu nhưng hồ sơ thiếu hoặc không rõ ràng cũng sẽ bị phía ngân hàng từ chối ra cam kết cho vay.
Thiếu các hồ sơ nhân thân như giấy kết hôn (với cá nhân đã có gia đình), thiếu hoặc chưa có các báo cáo tài chính (khách hàng doanh nghiệp), hoặc các giấy tờ đã có nhưng không rõ các thông tin quan trọng cũng có thể là lý do ngân hàng bác bỏ hồ sơ.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như khoảng cách địa lý quá xa, hồ sơ vay đứng tên cá nhân nhưng lúc ký tín dụng lại chỉ có mặt một trong hai người (vì lý do đi công tác nước ngoài) cũng có thể bị phía ngân hàng từ chối cho vay.
Thủ tục, quy trình mua xe trả góp
Tùy theo nhu cầu khác nhau của khách hàng mà ngân hàng đưa ra những gói vay phù hợp. Gói vay thông dụng nhất mà các công ty tài chính áp dụng cho khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp có mức hỗ trợ cao nhất lên đến 85-90% giá trị xe, thời gian vay linh hoạt tối đa lên đến 84 tháng đối với xe mới.
Đối với xe đã qua sử dụng, giá trị và thời gian vay sẽ thấp hơn, thường chỉ được vay khoảng 50 - 60% giá trị xe với thời gian vay chỉ từ 3 đến 5 năm.
Lãi suất thường sẽ được chia ra theo 2 kỳ: kỳ 1 cố định trong 6 tháng hoặc 1 năm đầu, sau đó sẽ thả nổi theo thị trường. Gốc lãi sẽ giảm dần theo dư nợ gốc đã trả.
Khi người vay có nhu cầu mua xe, ngoài việc tư vấn thông tin về xe, nhân viên bán hàng cũng sẽ tư vấn về thủ tục trả góp, gợi ý những ngân hàng lãi suất tốt và hình thức vay phù hợp.
Đối với khách hàng là cá nhân
Khách hàng cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân và chứng minh tài chính.
Giấy tờ tùy thân cần chuẩn bị bao gồm Căn cước công dân/hộ chiếu của chồng/vợ, giấy đăng ký kết hôn (đối với khách hàng đã kết hôn). Nếu chưa kết hôn thì cần xin xác nhận tình trạng hôn nhân của xã/phường nơi cư trú.
Giấy tờ chứng minh thu nhập, bao gồm: Thu nhập từ lương (bảng lương, hợp đồng lao động tối thiểu 1 năm), sao kê tài khoản cá nhân, sổ tiết kiệm…
Trường hợp có công ty riêng và thu nhập dựa vào công ty đó thì cần cung cấp giấy đăng ký kinh doanh và bản báo cáo tài chính công ty. Với hộ kinh doanh thì cần cung cấp giấy đăng ký kinh doanh cá thể và sổ ghi chép bán hàng 3 tháng gần nhất.
Nếu thu nhập có từ cho thuê nhà hoặc phòng trọ thì cần cung cấp hợp đồng cho thuê nhà cửa, xe, bất động sản, cổ phiếu, cổ phần…
Nhân viên tín dụng ngân hàng VIB tại Hà Nội cho biết: "Việc ra bảo lãnh cho vay nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào hồ sơ năng lực của khách hàng. Nếu CIC của khách "đẹp", nguồn thu được chứng minh rõ ràng và chi tiết thì việc ra cam kết cho vay của ngân hàng sẽ chỉ trong 24h kể từ khi đẩy hồ sơ lên hệ thống".
Với khách hàng đứng tên doanh nghiệp
Trường hợp khách hàng đứng tên doanh nghiệp, cần cung cấp các loại giấy tờ như: Giấy phép kinh doanh; Mã số thuế doanh nghiệp; Báo cáo thuế 1 năm gần nhất; Báo cáo hoá đơn VAT 1 năm gần nhất; Điều lệ công ty/Biên bản họp hội đồng thành viên; Bản copy giấy đăng ký sử dụng mẫu dấu.
Ngoài ra, cần cung cấp thêm về các giấy tờ để chứng minh tài sản như: Nhà máy, dây chuyền, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô…
Khách hàng cần cung cấp thêm một số giấy tờ khác để đảm bảo việc xét duyệt nhanh chóng hơn như: Đơn xin vay vốn và phương án trả lãi; Hợp đồng kinh tế đầu ra, đầu vào; Các loại giấy tờ trên có thể thêm hoặc bớt tùy theo chính sách của đơn vị cho vay.
Trình tự duyệt hồ sơ trả góp
Khi khách hàng đã đồng ý mua xe bằng hình thức trả góp, phía ngân hàng sẽ kết hợp với chủ phương tiện để tiến hành thu hồ sơ và thẩm định. Mỗi ngân hàng sẽ có những quy định khác nhau, nhưng đều theo một trình tự chung.
Đầu tiên, người mua xe cần cung cấp đầy đủ và chính xác các loại giấy tờ mà ngân hàng cho vay yêu cầu.
Tùy theo năng lực hồ sơ của khách hàng, các ngân hàng thẩm định hồ sơ trước khi đưa ra cam kết cho vay. Thông thường theo quy định chung tại một số ngân hàng lớn, thời gian xét duyệt là khoảng 48 giờ.
Nếu hồ sơ đầy đủ, ngân hàng sẽ phê duyệt cho vay và thông báo bảo lãnh khoản vay đến với khách hàng và đơn vị cung cấp xe.
Sau khi có bảo lãnh cho vay từ phía ngân hàng, người mua xe nộp một khoản tiền đối ứng cho hãng xe ô tô để được xuất hóa đơn và gửi hồ sơ đi làm các thủ tục như: nộp thuế trước bạ; bấm biển số xe; đăng kiểm.
Sau khi đã nhận được biển số xe và bản gốc giấy đăng ký xe, khách hàng mang những giấy tờ đó lên ngân hàng để tiến hành bước cuối cùng là ký tín hợp đồng tín dụng cho vay. Đồng thời, khách hàng phải đóng những khoản phí liên quan và đi công chứng giấy tờ.
Cuối cùng, ngân hàng sẽ cung cấp bản sao giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) và chuyển tiền cho đại lý bán xe ô tô. Lúc này, khách hàng đến đại lý nhận xe và hoàn tất giao dịch.