3 cô gái đầu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cao nhất là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay (12/1), 3 cô gái đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax ở mức liều cao nhất.
Một trong 3 cô gái tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax liều cao nhất (Ảnh: Vũ Nga)
Một trong 3 cô gái tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax liều cao nhất (Ảnh: Vũ Nga)

Chính thức tiêm liều vaccine cao nhất

Tại buổi tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax liều cao nhất, Thiếu tướng GS.TS. Hoàng Văn Lương – Phó Giám đốc Học viện Quân Y - cho biết: Sáng nay, Học viện Quân Y đã tiến hành thử nghiệm trên 3 người đầu tiên liều tiêm 75 microgam (mcg). Đây là mức liều cao nhất trong 3 mức liều được cấp phép bởi Bộ Y tế.

Tình nguyện viên ngồi chờ chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh: Thảo Vy)

Tình nguyện viên ngồi chờ chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh: Thảo Vy)

Cả 3 người này đều đã được sàng lọc sức khoẻ, qua vòng tuyển chọn khắt khe để tiêm thử nghiệm. Sau 72h (thứ 6 tuần này), 6 người tiếp theo sẽ tiếp tục được tiêm vaccine liều 75mcg.

Sau khi việc thử nghiệm ở giai đoạn I được hoàn tất, Bộ Y tế sẽ nghiệm thu kết quả và cho phép thử nghiệm vaccine Nao Covax ở giai đoạn 2.

Hiện, Học viện Quân Y đang tuyển thêm các đối tượng tham gia thử nghiệm giai đoạn II. Trước đó, sức khoẻ của cả 40 người tiêm vaccine 2 liều 25mcg và 50mcg đều ổn định, không có biểu hiện bất thường.

Không hề lo lắng sau khi tiêm vaccine

Theo GS.TS. Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y – 3 người tiêm liều vacicne Nano Covax cao nhất là 3 cô gái từ 20-22 tuổi.

Cả 3 cô gái tiêm liều cao nhất (75mcg) của vaccine phòng COVID-19 Nano Covax đều đạt các tiêu chuẩn giống như những người tiêm ở 2 liều trước (liều 25mcg và kiều 50mcg).

Cô sinh viên trường y chia sẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax liều cao nhất (Ảnh: Thảo Vy)

Cô sinh viên trường y chia sẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax liều cao nhất (Ảnh: Thảo Vy)

Trao đổi với PV sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax, chị V. (tên tình nguyện viên đã được thay đổi) - sinh viên của một trường đại học Y, 1 trong 3 người tiêm vaccine - chia sẻ: “Cả 40 người tiêm 2 liều 25mcg và 50mcg trước đó đều không có biểu hiện gì bất thường, nên tôi không hề cảm thấy lo lắng. Là một sinh viên học y nên tôi đã tự tìm hiểu vaccine, nắm được đầy đủ các liều tiêm, đồng thời, giải thích rõ với gia đình về việc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Vì thế, tôi đã tham gia thử nghiệm để trực tiếp được trải nghiệm quá trình nghiên cứu vaccine phòng COVID-19”.

Như vậy, với 3 cô gái đầu tiên tiêm liều vaccine cao nhất, nghiên cứu giai đoạn 1 đã đạt được gần 50%. Sau tiêm, 3 cô gái có một số phản ứng phụ rất nhẹ, chủ yếu là đau nhức vùng tiêm và sốt nhẹ. Từ những phản ứng này, có thể đánh giá rằng vaccine Nano Covax rất an toàn.

GS.TS. Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y (Ảnh: Thảo Vy)

GS.TS. Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y (Ảnh: Thảo Vy)

Nhằm tiếp tục việc thử nghiệm, GS.TS. Chử Văn Mến tiết lộ: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục sàng lọc để chọn ra những tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn tiêm liều 75mcg. Thực tế trong quá trình sàng lọc đã có khá nhiều đối tượng bị loại vì tiêu chuẩn của việc thử nghiệm rất chặt chẽ.”

Tính đến nay đã có hơn 500 người đăng ký và 200 người đã đến sàng lọc. Qua sàng lọc, Học viện Quân Y đã chọn được 51người để chấm hồ sơ, cố gắng đạt đủ 60 - 65 người để hoàn tất thử nghiệm giai đoạn I.

Dự kiến trong 2 ngày 15-16/1, các tình nguyện viên sẽ được tiêm mũi thứ 2 của liều 25mcg.

Nhằm đảm bảo an toàn cho những tình nguyện viên, Học viện Quân Y đã có quy trình giám sát rất chặt chẽ về y tế với tổ tiêm và tổ cấp cứu trực 24/24, các xe cấp cứu luôn đợi sẵn để ứng phó kịp thời trong tình huống khẩn cấp.

Nano Covax là vaccine made in Vietnam do công ty NANOGEN sản xuất. Đây là 1 trong 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 ở nước ta.

Giai đoạn 1 của thử nghiệm sẽ được thực hiện ở Học viện Quân y với 70 người tình nguyện. Đến giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm ở Học Viện Quân Y và một số điểm nghiên cứu khác được Bộ Y tế phê duyệt với 560 người tham gia. Những người tình nguyện tham gia đăng ký giai đoạn 1 sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia.

Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân Y trong tối thiểu 72h. Trong suốt thời gian này, người tình nguyện sẽ được theo dõi sức khỏe hàng ngày bởi các bác sĩ của Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Bệnh viện Quân Y 103.

Sau thời gian theo dõi tại Viện, người tình nguyện sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hàng ngày sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.