3 chuỗi lây nhiễm COVID-19 cực nguy hiểm, khó kiểm soát tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM đang tồn tại 3 chuỗi lây nhiễm cực  nguy hiểm, khó kiểm soát, đặc biệt từ nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Xử lý khử khuẩn các khu vực phát hiện bệnh nhân - Ảnh: CDC TP.HCM
Xử lý khử khuẩn các khu vực phát hiện bệnh nhân - Ảnh: CDC TP.HCM

Đầu tiên, CDC TP.HCM nhắc đến Chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở Quận 3, phát hiện ngày 18/5/2021 gồm 02 bệnh nhân BN4514, BN4583 là đồng nghiệp làm việc trong cùng một văn phòng, nơi cư trú ở quận 7 và TP. Thủ Đức. Chuỗi lây nhiễm đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để với 193 người tiếp xúc gần, 1.380 người tiếp xúc khác, đã được cách ly y tế. Có 9.113 người được lấy mẫu xét nghiệm mở rộng tại các khu vực liên quan. Tổng cộng thực hiện 10.686 mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).

Chuỗi lây nhiễm tại quán Bánh canh cá lóc O Thanh ở Quận 3: phát hiện ngày 21/5/2021 gồm 5 trường hợp BN4780, BN4781, BN4782, BN5329, BN5463. Trong đó ngày 2/6/2021, BN5463 đã tử vong do COVID-19 nặng trên cơ địa suy thận mạn giai đoạn cuối. Chuỗi lây nhiễm đã được điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để với 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác, mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người. Tổng cộng thực hiện 2.391 mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này là biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh).

Ổ dịchĐiểm nhóm truyền giáo Phục Hưng: phát hiện từ ngày 26/5/2021.Qua hoạt động điều tra truy vết đồng thời thành viên của Điểm nhóm cũng tự khai báo hoặc được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, tính đến trưa ngày 3/6/2021 tại TP.HCM đã có 266 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch này được Bộ Y tế công bố. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 07 người bệnh đầu tiên là hội viên nhóm truyền giáo đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại phường 15, quận Gò Vấp - Ảnh Ngọc Phượng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại phường 15, quận Gò Vấp - Ảnh Ngọc Phượng

Trong nhóm truyền giáo này tổng số người tham gia là 55 người, trong đó 40 người đã xác định mắc bệnh, chiếm tỉ lệ 70%. Các hội viên này sống ở 16/22 quận huyện và lây nhiễm tiếp cho các bệnh nhân tại nơi họ sống và làm việc, hình thành các ổ dịch tại 20/22 quận huyện và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá đây là “ổ dịch” cực nguy hiểm, khó kiểm soát.

Liên quan đến các ca bệnh xuất phát từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, hiện nay có một số “ổ dịch” đáng chú ý trên địa bàn TP.HCM như:

Công ty TNHH THIÊN TÚ FN ở Tân Bình có 50 bệnh nhân. BN6301 lây nhiễm cho 44 ca F1, 05 ca F2. Bệnh nhân là các nhân viên làm chung và lây lan tiếp cho người nhà.

Công ty TNHH IDS ở Tân Phú có 23 bệnh nhân. BN6787 lây nhiễm cho 9 ca F1, 12 ca F2 và 1 ca F3. Bệnh nhân là nhân viên làm chung và lây lan tiếp cho người nhà.

Trường mầm non song ngữ ở quận 12 có 20 bệnh nhân. BN6427 lây nhiễm cho 10 ca F1 và 09 ca F2. Bệnh nhân là giáo viên của trường rồi lây sang các hộ gia đình, khu nhà trọ. Kết quả điều tra ghi nhận đã lây lan dịch bệnh sang các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp.

Chỉ trong gần nửa tháng, TP.HCM đã phát hiện 3 chuỗi lây nhiễm lớn trong cộng đồng, phát hiện cả 2 biến chủng lần đầu xuất hiện tại TP.HCM là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ.

Xét nghiệm cư dân liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng-Ảnh Phạm Ngôn

Xét nghiệm cư dân liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng-Ảnh Phạm Ngôn

CDC TP.HCM đánh giá, hai chuỗi lây nhiễm ở trong công ty ở quận 3 và tại quán Bánh canh cá lóc O Thanh đã giới hạn số ca mắc và hiện không phát hiện thêm người nhiễm từ các chuỗi này.

Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan Hội truyền giáo Phục Hưng có mức độ lây lan mạnh do các đặc thù sinh hoạt và điều kiện làm việc của các F0, F1, F2. Đáng lưu ý là sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ 1 bệnh nhân trong Hội thánh được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao ví dụ điển hình là công ty Thiên Phú FN. Bên cạnh đó nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng theo sự di chuyển của các bệnh nhân.

Cụ thể, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, quận Tân Bình có 50 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú có 23 ca; Trường mầm non Kid Town, quận 12 có 20 ca... Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend, quận Tân Bình và trụ sở quận 1 có 18 ca; khu nhà trọ trong hẻm đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp có 15 ca và khách sạn Sheraton, quận 1 có 8 ca.

Trong chuỗi lây nhiễm này có 3 ca bệnh nhân làm việc trong các Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn. May mắn là cho tới hiện tại vẫn chưa phát hiện lây nhiễm trong khu vực này. Sự kiện bầu cử đã được tổ chức an toàn ở tất cả các cấp. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nhiễm nào từ các tổ bầu cử hoặc sự kiện bầu cử dù đã qua 7 ngày (đậy là khoảng thời gian đủ để lây truyền qua 1 chu kỳ).

Các bệnh viện được phân luồng chặt chẽ, giám sát ngay từ cổng bệnh viện, khiến rất ít trường hợp lọt sâu vào cơ sở y tế. Nơi công cộng cũng đã được kiểm soát, giãn cách, nên cũng hạn chế lịch trình di chuyển của bệnh nhân hạn chế việc lây lan tại những nơi này.

Bệnh viện bị phong toả vì ca nhiễm mới - Ảnh :HCDC
Bệnh viện bị phong toả vì ca nhiễm mới - Ảnh :HCDC

CDC TP.HCM đánh giá, nếu truy vết quyết liệt và cách ly tập trung tất cả các tiếp xúc gần thì sẽ tiếp tục phát hiện ca bệnh trong nhóm này trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, thành phố vẫn có thể xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan. Do đó người dân tuyệt đối không được chủ quan, luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch 5K. Bên cạnh đó cũng không hoang mang, lo lắng, theo dõi và thực hiện theo đúng quyết định của chính quyền, khuyến cáo của ngành Y tế.