+ Hôm nay, 3 bệnh nhân nhiễm nCoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được xuất viện. Họ đã được điều trị như thế nào để có được kết quả này, thưa ông?
- Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị với bệnh nhân nhiễm nCoV trước khi dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trugn ương đã tổ chức tập huấn việc điều trị bằng phác đồ cho các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện.
Do đó, việc cách ly, điều trị 3 bệnh nhân tại Vĩnh Phúc, nằm trong nhóm 8 công nhân Công ty TNHH Nihon Plast trở về từ Vũ Hán đều đã tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp thông tin về quá trình điều trị cho 3 bệnh nhân nhiễm nCoV. Ảnh: Minh Thúy
|
Trong 3 bệnh nhân nhiễm nCoV được xuất viện hôm nay, có 1 bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm phổi (viêm thùy đáy ở 2 bên phổi), 1 bệnh nhân bị thâm nhiễm nhẹ ở rốn phổi. May mắn cả 2 bệnh nhân này không bị suy hô hấp nên các bác sĩ không cần can thiệp điều trị đường hô hấp mà chủ yếu điều trị các triệu chứng như: sốt, đau họng, ho,… và điều trị nâng cao thể trạng.
Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình điều trị là cách ly để tránh lây nhiễm qua nhân viên y tế và phát tán mầm bệnh ra môi trường bên ngoài.
Hiện, Bệnh viện đang tiếp tục điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm nCoV trong tình trạng ổn định, đang chờ kết quả xét nghiệm.
+ Việc điều trị thành công 3 trường hợp nhiễm nCoV đã đem lại kinh nghiệm gì cho các bác sĩ trong quá trình chiến đấu với bệnh viêm đường hô hấp cấp thưa ông?
- 3 bệnh nhân nhiễm nCoV được chữa khỏi là cơ sở dữ liệu ban đầu để các bác sĩ tiến hành nghiên cứu, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV trong thời gian tới. Thực tế, về mặt lâm sàng cả 3 ca nhiễm nCoV đều có tình trạng bệnh nhẹ.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
|
+ Xin ông cho biết, trong quá trình điều trị cho 3 bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, các y, bác sĩ đã gặp những khó khăn, vất vả gì?
- Ngay từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV xâm nhập vào Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trugn ương đã có quyết định các nhân viên y tế trực, sẵn sàng có mặt khi tiếp nhận bệnh nhân. Bất kể ngày nghỉ, lễ, tết, các bác sĩ đều trực 24/24 tại bệnh viện.
Khi Bệnh viện tiếp nhận trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV, bệnh viện đã bố trí khu vực cách ly, giải tỏa những bệnh nhân điều trị sang khu vực khác để cách ly; cung ứng các trang thiết bị, vật tư y tế; tổ chức sàng lọc thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch xảy ra vào đúng dịp Tết nguyên đán nên việc huy động các nguồn lực đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
Một trong 3 bệnh nhân nhiễm nCoV điều trị khỏi bệnh được xuất viện về nhà. Ảnh: Minh Thúy
|
Bên cạnh đó, việc chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cũng gặp nhiều khó khăn khi thời điểm trước Tết các bác sĩ có mồi nên bắt buộc phải giải trình đường gen để xác định bệnh nhân mắc bệnh. Thông thường, các bác sĩ mất 3 ngày để giải trình đường gen, nếu mẫu trục trặc, sẽ mất tới 6 ngày để hoàn thành.
Ngoài ra, một số bệnh nhân phải chờ lâu nên họ khá bức xúc về chỗ ăn, ở,…. Không chỉ vậy, thời gian đầu đối tượng cách ly tại bệnh viện khá phức tạp (người Trung Quốc, người đến từ Châu Âu,…) nên đã gây ra không ít khó khăn cho các y, bác sĩ.
+ Kinh nghiệm từ dịch SARS đã hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV như thế nào thưa ông?
- Kinh nghiệm từ dịch SARS (2003) rất quý giá đối với các bác sĩ. Kinh nghiệm này giúp bác sĩ phân loại, sàng lọc, tổ chức cách ly, điều trị ngay từ bước đầu khi phát hiện bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV. Mặc dù thời gian điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV khá lâu cùng với số bệnh nhân đến sàng lọc tại bệnh viện đông nhưng đến nay chưa có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm nCoV.