2020 có thể là năm có nhiệt độ cao thứ hai trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nói rằng 2020 đang trên đà trở thành năm thứ hai có nhiệt độ cao được ghi nhận trong lịch sử.

Nhiệt độ cao gây ra các đám cháy rừng ở California, Hoa Kỳ (ảnh: The Nature Conservancy)
Nhiệt độ cao gây ra các đám cháy rừng ở California, Hoa Kỳ (ảnh: The Nature Conservancy)

Ghi nhận từ dữ liệu của WMO cho thấy 2020 là một năm đặc trưng bởi các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và siêu bão, là năm nhiệt độ cao thứ hai kể từ đợt nóng kỷ lục được ghi nhận vào năm 1850.

"Năm 2020 rất có thể là một trong hai năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu", cơ quan Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva cho biết trong báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020.

Bị thiêu đốt bởi nhiệt độ cao, các đám cháy rừng đã bùng lên khắp Australia, Siberia và Hoa Kỳ trong năm nay, kéo theo những đám khói trên bầu trời bao trùm một khu vực rộng lớn.

Trong một bài phát biểu tại Đại học Columbia ở New York, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng phát thải khí nhà kính do con người gây ra là nguyên nhân và các chính sách về môi trường vẫn chưa giải quyết được thách thức.

“Nói một cách đơn giản là trạng thái của hành tinh đang bị phá vỡ. Nhân loại đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động tự sát”, ông Guterres nói.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cũng có chung nhận định: “Thật không may, 2020 lại là một năm đặc biệt đối với khí hậu của chúng ta”. Ông Petteri đồng thời thúc giục các nước nỗ lực nhiều hơn nữa để hạn chế khí thải.

Vào tháng trước, WMO phát hành báo cáo cho thấy nồng độ khí nhà kính đã tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2019 và đã tiếp tục tăng trong năm nay. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay cao hơn 1,2 độ C so với mức cơ bản.

Tổng thư ký LHQ Guterres nói rằng năm ngoái các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho thế giới 150 tỷ USD, ô nhiễm không khí và nước đang giết chết 9 triệu người mỗi năm. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tuân thủ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 và tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.