20 triệu thanh niên Việt Nam được hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam phối hợp với các đối tác thực hiện, sẽ hỗ trợ miễn phí phần mềm, kiến thức, nền tảng kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam.

20 triệu thanh niên Việt Nam được hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh số

Chia sẻ về chương trình, ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam nhận định, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, 20 triệu thanh niên với sự nhanh nhạy và linh hoạt đang dần trở thành lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy kinh doanh số, chuyển đổi số. Số lượng các startup công nghệ và dự án kinh doanh số do thanh niên sáng lập ngày càng tăng, minh chứng cho khả năng sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp và cơ hội vươn mình trở thành những doanh nhân kinh doanh số thành công.

Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam thuộc Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ công bố chương trình "Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam".

Tuy nhiên, song hành cùng với những lợi thế và cơ hội đó, thanh niên Việt Nam cũng như những doanh nghiệp do thanh niên làm chủ đang đối mặt với nhiều thách thức như: năng lực về tài chính, nền tảng công nghệ, kỹ năng quản lý cho đến việc kết nối và hội nhập với thị trường toàn cầu.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Phan Huy Khôi, chương trình "Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” là một dự án tổng thể nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

vt_nguyen phan huy khoi.jpg
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi chia sẻ tại sự kiện

Chương trình được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) triển khai theo tinh thần của quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình cũng được hỗ trợ tối đa về mặt nền tảng và công nghệ khi thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Tik Tok Việt Nam, hợp tác chiến lược với các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ phục vụ các hoạt động quản lý, bán hàng trên nền tảng số, ông Nguyễn Phan Huy Khôi cho biết.

Chương trình hướng tới 20 triệu thanh niên Việt Nam, đặc biệt là thanh niên tại các địa phương và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc, các doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương. Với các nội dung nổi bật gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ tài liệu, pháp lý, chính sách, hệ sinh thái cho các dự án khởi nghiệp; Thứ hai, kết nối các nguồn lực hỗ trợ (Bộ ban ngành, nền tảng, công nghệ, chính sách, nguồn vốn,..); Thứ ba, hỗ trợ công nghệ, tặng phần mềm quản lý, số hóa các hoạt động bán hàng; Thứ tư, các chương trình đào tạo, tư vấn xuyên suốt; các sự kiện online, offline kết nối và xúc tiến thương mại.

Chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói rằng đây là thời điểm đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển, doanh nghiệp nhiều nước đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chính vì thế, đây cũng là thời điểm tốt để thanh niên, sinh viên Việt Nam khởi nghiệp, nắm bắt cơ hội.

vt_nguyen kim son.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khuyến khích thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp

Bộ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện khi tháp tùng Thủ tướng sang thăm và làm việc với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản cách đây vài ngày, Bộ trưởng đã gặp gỡ 1 doanh nhân Việt Nam trước đây là du học sinh 6 năm tại Nhật Bản. Hiện anh đang làm công việc kết nối nhu cầu cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Anh nói rằng "chỗ nào cũng có việc để làm, nhìn đâu cũng thấy có cơ hội để kinh doanh".

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh thanh niên Việt Nam cần mạnh dạn khởi nghiệp để làm chủ thay vì đi làm thuê cho người khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay rất quan tâm đến khoa học công nghệ, đào tạo nhận lực cho các ngành công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn của đất nước như CNTT, Trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch bán dẫn với mong muốn sản xuất được chip bán dẫn, công nghệ sinh học và rất nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Bộ trưởng mong muốn thanh niên, sinh viên quan tâm, tìm cơ hội khởi nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn mà đất nước đang cần.

vt_toan canh thanh nien khoi nghiep.jpg

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng mong muốn chương trình nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên đi vào thực chất, bền vững và có hiệu quả thực sự. "Chỉ cần một phần nhỏ trong số 20 triệu thanh niên khởi nghiệp thành công cũng đóng góp cho sự thành công của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Ông Lê Công Thành, Chủ tịch Công ty InfoRe Technology Vietnam lại ví von rằng có lẽ Việt Nam cần có một chương trình "bình dân học vụ thời đại 4.0" để đào tạo kỹ năng sử dụng AI cho người Việt nói chung và thanh niên, sinh viên nói riêng. Dẫn nghiên cứu của KP&G, ông Thành cho biết mặc dù 80% người Việt sử dụng smartphone và truy cập Internet, nhưng chỉ có khoảng 30% người Việt có máy tính và sử dụng máy tính cho công việc tạo ra giá trị. Con số này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

vt_le cong thanh.jpg
Ông Lê Công Thành cho rằng cần tăng cường đào tạo kỹ năng số cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng

Ông Thành cũng nêu một nghiên cứu khác mà tập đoàn IBM mới công bố cách đây 2 tháng trên cơ sở khảo sát hơn 3000 CEO tại Mỹ, rằng khoảng 2,5 năm nữa, tức là vào năm 2025 thì khoảng 40% số người lao động trên thế giới sẽ bị đào thải nếu không có kỹ năng sử dụng Trí tuệ nhân tạo. Theo ông Thành, ở Việt Nam hiện nay, số lượng người lao động có kỹ năng sử dụng AI chỉ chiếm chưa tới 1% lực lượng lao động và đây chính là lý do mà chúng ta cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng AI cho người lao động và cho giới thanh niên, sinh viên.

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh số cho sinh viên, đã diễn ra 5 phần ký kết hợp tác giữa các đơn vị, bao gồm:

Ký kết hợp tác chiến lược triển khai hoạt động hỗ trợ phần mềm, kiến thức, nền tảng kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS) và Công ty TNHH công nghệ CFOX"

vt_ky ket 1-1.jpg
vt_ky ket 1-2.jpg
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi và Giám đốc Công ty Công nghệ CFOX ký biên bản hợp tác

Ký kết giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam với Trung tâm chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm hỗ trợ Sinh viên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

vt_ky ket 2.jpg

Ký kết giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ, xây dựng nền tảng dữ liệu về tài sản số và sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp do thanh niên khởi nghiệp.

vt_ky ket 3.jpg

Ký kết giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam và Công ty InfoRE Technology Vietnam, với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp do thanh niên khởi nghiệp tài khoản phần mềm SMCC nhằm triển khai các giải pháp kinh doanh trên mạng áp dụng trí tuệ nhân tạo.

vt_ky ket 4.jpg

Ký kết giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH thương mại Châu Á - Thái Bình Dương, nội dung triển khai miễn phí khóa học livetream và tài trợ phòng livetream tại các trường Đại học trên cả nước.

vt_ky ket 5.jpg

Chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam dự kiến sẽ gồm hơn 500 dự án xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư từ các quỹ đầu tư. Sẽ có khoảng 5000 tài khoản phần mềm quản lý bán hàng được trao tặng tại mỗi tỉnh, thành trong năm 2024 và mở rộng sang năm 2025. Dự kiến sẽ có hơn 1 triệu cá nhân, tổ chức nhân được gói hỗ trợ phần mềm kinh doanh số. Ngoài ra chương trình sẽ tổ chức khoảng hơn 50 hội thảo, hơn 500 khóa học về kinh tế số, thương mại điện tử, chính sách và pháp lý, công nghệ, bảo mật... từ TikTok, Shopee và các trường đại học, trung tâm đào tạo.