Thông tin trên được PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - đưa ra ở hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8 do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng nay (11/12).
Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8 với chủ đề “cập nhật và ứng dụng” (Ảnh: Minh Thuý) |
Cứu thai nhi thoát khỏi "tử thần"
Trong quá trình mang thai, tỷ lệ sản phụ bị thiểu ối khá cao, chiếm tới 4-5%. Khi bị thiểu ối, thai nhi chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Ở thể nặng, thiểu ối có thể cướp đi sự sống của thai nhi.
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh, thiểu ối là tình trạng nước ối của sản phụ ít hơn bình thường theo tuổi thai, do sản phụ bị rỉ ối, vỡ ối, bệnh lý; thai nhi có bất thường ở thận. Khi sản phụ bị thiểu ối, nước ối sẽ giảm, dẫn đến tình trạng rỉ ối, vỡ ối, bất thường ở thận. Nếu không xử lý việc thiểu ối kịp thời cho sản phụ, thai nhi sẽ bị chậm phát triển, biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường, thiểu sản phổi thai nhi, nguy hiểm nhất là việc thai bị chết lưu.
Theo một nghiên cứu, tiến hành quan sát trên 115 thai phụ bị vỡ ối trước 29 tuần, có 7 ca thai lưu, 40 trẻ sơ sinh tử vong, và ước tính tỷ lệ tử vong chu sinh là 409/1000. Nguy cơ thiểu sản phổi gây chết thai khoảng 20%. Tình trạng nước ối ít cũng sẽ gây trở ngại trong quá trình khảo sát hình thái học của thai nhi qua siêu âm (nếu có). Thai phụ bị thiếu ối trong 3 tháng cuối có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng và nguy hiểm đến tính mạng bé.
Trước đây, đa số các thai bị thiểu ối, bác sĩ đều khuyên các bà mẹ chủ động đình chỉ thai nghén, trước khi thai chết lưu. Sau đó, có những cặp vợ chồng phải mất hàng chục năm làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) mới có thai. Vì thế, PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật truyền dịch ối để cứu sống thai nhi.
Kỹ thuật truyền ối được thực hiện bằng cách đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai. Đến thời điểm tại, đây là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị tình trạng thiểu ối cho sản phụ.
Kết quả 25 ca truyền ối cho sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý) |
Thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã sử dụng kỹ thuật truyền ối cho 25 trường hợp, trong đó 20 trường hợp đã thành công, bảo vệ và cứu sống 20 thai nhi thoát khỏi bàn tay của “tử thần”.
Trong đó, phải kể đến trường hợp sản phụ mang thai 26 tuần thì bị vỡ tử cung, bung buồng ối. Tính mạng cả sản phụ lẫn thai nhi ngàn cân treo sợi tóc. Gia đình sản phụ vô cùng căng thẳng. Các bác sĩ cũng lo lắng vì nguy cơ tử vong cả mẹ và con rất cao. Lúc này, kỹ thuật truyền ối cho sản phụ đã phát huy tác dụng, khi đã bảo vệ được màng ối nguyên vẹn, cứu sống thai nhi. Điều kỳ diệu đã đến khi sản phụ đã khỏe mạnh trở lại và em bé đã chào đời bình an trong niềm hạnh phúc của cả gia đình sản phụ lẫn bác sĩ.
Đặc biệt, có trường hợp sản phụ mang thai tuần thứ 17 phải truyền ối đến 3 lần. Mặc dù tình trạng của sản phụ rất nguy kịch, tưởng chừng như không còn cơ hội để cứu chữa nhưng các bác sĩ đã cố gắng truyền ối, giữ thai nhi cho đến tuần thứ 38. Và điều kỳ diệu đã đến, một em bé nặng 2,8 kg đã cất tiếng khóc chào đời.
Cũng phải truyền ối nhiều lần là một sản phụ mang thai 33 tuần bị thiểu ối, thai nhi nhẹ cân, non tháng đã được các bác sĩ truyền ối, bảo vệ an toàn cho thai nhi đến khi tròn 39 tuần. Sau đó, sản phụ sinh thường và chào đón em bé kháu khỉnh nặng 2,7 kg.
Được biết, cả 25 sản phụ được các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội truyền ối có 2 sản phụ mang thai dưới 18 tuần (hầu hết các sản phụ thực hiện truyền ối đều mang thai từ 18-28 tuần, chiếm 68%); có 3 sản phụ mang thai đôi.
Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ cùng các trang, thiết bị hiện đại thực hiện kỹ thuật truyền ối, 20 em bé đã chào đời khoẻ mạnh. Ngoài 20 trường hợp đã truyền ối thành công, 5 trường hợp còn lại không thành công là do sản phụ bị vỡ ối, sảy thai.
Thiếu nguồn nhân lực để "truyền ối"
Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nguồn nhân lực để thực hiện kỹ thuật này gặp nhiều khó khăn. "Nếu không có dịch COVID-19, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ có thêm 4 bác sĩ nữa để đào tạo làm kỹ thuật truyền ối" - ông Ánh nói.
Thực tế, kỹ thuật truyền ối mang lại rất nhiều lợi ích. Sản phụ bị thiểu ối được truyền ối sẽ khắc phục đường tình trạng thiếu nước ối, thai nhi không bị chậm phát triển cũng như mắc phải những biến chứng nguy hiểm như biến dạng cơ thể, chết lưu,... Khi thực hiện kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ sẽ xuyên kim vào buồng ối và bơm dịch dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để nước ối khi siêu âm đáp ứng đầy đủ cho thai nhi theo sức khoẻ của sản phụ.
Bác sĩ quan sát hình ảnh siêu âm thai nhi của sản phụ (Ảnh: BVCC) |
Sau khi truyền ối, sản phụ sẽ được các bác sĩ giám sát, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu nhiễm trùng. Việc truyền ối có thể tiến hành nhiều lần để đảm bảo thai nhi được phát triển một cách tốt nhất và phục vụ cho việc quản lý thai nghén.
Kỹ thuật truyền ối chỉ được thực hiện với những sản phụ bị thiểu ối, đủ tiêu chuẩn theo quy định. Những trường hợp sản phụ mang thai quá nhỏ, nguy cơ tử vong cao sẽ không được thực hiện kỹ thuật này.
Để thực hiện có hiệu quả kỹ thuật truyền ối, PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh khuyến nghị các bệnh viện nên chẩn đoán sớm tình trạng thiểu ối của sản phụ, tìm ra nguyên nhân thiểu ối. Từ đó, tiến hành hội chẩn liên khoa để bảo vệ thai nhi, khắc phục tình trạng thiểu ối cho sản phụ.
Dự kiến, kỹ thuật truyền ối sẽ được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và triển khai đến hết tháng 2/2021.