|
Bác sĩ khám bệnh cho chị L. sau điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối (Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) |
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trường hợp bệnh nhân đầu tiên là chị N.T.L., 48 tuổi, sống ở Hải Dương có tiền sử phẫu thuật thay van 2 lá nhân tạo cơ học cách đây 2 năm. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn đi khám định kỳ, tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, nên từ tháng 1/2020, chị không tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đông máu.
Cách đây 10 ngày, chị L. xuất hiện cơn đau ngực trái, khó thở, nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết động bắt đầu rối loạn, khó thở NYHA II- III, xét nghiệm chỉ số chống đông (INR) thấp hơn đích điều trị. Sau khi xét nghiệm đông máu, người bệnh được siêu âm tim. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị kẹt 1 cánh van nhân tạo cơ học. Đây chính là hậu quả của việc chị không đi thăm khám, không được điều chỉnh liều thuốc chống đông máu thường xuyên.
Nghi ngờ tình trạng bệnh xảy ra do khối máu đông mới hình thành, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành siêu âm tim qua thực quản cấp cứu nhằm đánh giá tình trạng van và khẳng định chẩn đoán kẹt van tim nhân tạo do huyết khối mới hình thành.
Qua hội chẩn toàn khoa, các bác sĩ quyết định dùng thuốc tiêu huyết khối cho người bệnh theo phác đồ. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân được theo dõi sát tình trạng tri giác, huyết động và siêu âm tim đánh giá 30 phút/1 lần.
Sau khi được điều trị, người bệnh dần ổn định, kết quả siêu âm cuối cùng cho thấy 2 cánh van đều đóng mở tốt, không quan sát thấy huyết khối.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho hay: Khi người bệnh có dấu hiệu chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể phải chống chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối bởi việc sử dụng thuốc có thể gây xuất huyết ở những vùng khác, đặc biệt là xuất huyết não.
Rất may, chị L. không có chống chỉ định với thuốc tiêu huyết khối nên sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, chị đã được các bác sĩ can thiệp kịp thời. Nếu để lâu, người bệnh sẽ bị kẹt cứng cả 2 cánh van dẫn tới tử vong hoặc suy tim cấp. Ngoài ra, trường hợp huyết khối bám vào cánh van bị vỡ, một mảnh trôi đi sẽ có thể gây tắc mạch máu khắp nơi, đặc biệt là mạch máu não.
Nhập viện cùng ngày với chị L. là một bệnh nhân nam 46 tuổi đến từ Hà Tĩnh có tiền sử phẫu thuật thay van cơ học cách đây 11 năm. Trái với trường hợp chị L. có tiền sử mắc bệnh 2 năm và ít kinh nghiệm, nam bệnh nhân này đã quen với việc đi khám và chỉnh chống đông trong suốt 11 năm qua. Tuy nhiên, anh cũng gặp phải tình trạng kẹt van nhân tạo do huyết khối.
Cách đây 2 ngày, anh nhập bệnh viện trong tình trạng tỉnh với biểu hiện ho nhiều, khó thở. Sau khi được chẩn đoán nghi kẹt van 2 lá cơ học tại địa phương, anh được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị.
Tại Bệnh viện, bệnh nhân bị khó thở nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt, siêu âm tim thấy kẹt cứng một cánh van 2 lá cơ học. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm qua thực quản, đánh giá kẹt van do huyết khối mới, thông qua hội chẩn quyết định sử dụng thuốc tiêu huyết khối, được đánh giá siêu âm 30 phút/1 lần.
Với phương tiện chẩn đoán tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, bệnh nhân bị kẹt van nhân tạo do huyết khối đã được cấp cứu kịp thời bằng các biện pháp siêu âm tim, siêu âm qua thực quản, hồi sức tim mạch.
Các bác sĩ đã nhanh chóng phân biệt được huyết khối cũ và mới để kịp thời đưa ra quyết định sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Bởi nếu là huyết khối cũ thì bệnh nhân không chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, trường hợp huyết khối làm kẹt van tim nhân tạo chiếm 0,3 – 1,3% ở người bệnh thay van tim mỗi năm, chủ yếu gặp ở người dừng thuốc chống đông đột ngột hoặc thay đổi liều chống đông.
Các dấu hiệu cảnh báo kẹt van tim do huyết khối mà người bệnh có thể gặp phải gồm: mệt mỏi hoặc khó thở tăng nặng đột ngột, rất cấp tính hoặc kéo dài trong vài ngày.
Trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối, trường hợp nặng cần mổ tim hở thay van lần 2 hoặc lấy huyết khối. Vì vậy, người bệnh đã thay van tim không được chủ quan, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như trên cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phẫu thuật thay van tim là phương pháp giúp người bệnh ngăn chặn nguyên nhân gây suy tim, cải thiện tình trạng tim mạch và tăng chất lượng sống. Để duy trì kết quả sau thay van tim, nhất là van tim cơ học, người bệnh cần theo dõi định kỳ và dùng thuốc chống đông máu đều đặn để tránh một biến chứng rất nguy hiểm là kẹt van nhân tạo do cục máu đông (huyết khối) hình thành trong tim, làm các cánh van không mở hay đóng được. Kẹt van nhân tạo cơ học là một biến chứng cấp tính rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao nếu không điều trị cấp cứu kịp thời. Cách thức điều trị là nhanh chóng loại bỏ cục máu đông khỏi tim, phục hồi chức năng của van nhân tạo. Trước đây, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật tim hở cấp cứu với tiên lượng sau mổ rất nặng, nhiều biến chứng. Những năm gần đây, việc ra đời của hàng loạt thuốc tiêm làm tan cục máu đông (tiêu huyết khối) đã thay đổi hẳn phương thức và hiệu quả điều trị bệnh kẹt van nhân tạo cơ học do huyết khối, tránh được cuộc mổ phức tạp với tỷ lệ thành công khá cao. Phương pháp này đã bắt đầu được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và nhiều trung tâm y tế khác trong 10 năm gần đây. |