Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị về thoái vốn nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp tổ chức tại TPHCM.
Nếu thời điểm năm 2001, DN nhà nước dàn trải trên 60 lĩnh vực thì thì nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành và lĩnh vực, sắp tới chỉ còn tập trung vào 12 lĩnh vực.
Theo mục tiêu trên thì trong giai đoạn tới, chỉ còn khoảng 190 DN nhà nước giữ 100% vốn.
Trong đó, công ty xổ số là 63 DN, xuất bản là 12 DN và khai thác thủy lợi là 87 DN. Riêng đối với DN thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước đã nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên chỉ hoạt động trong 5 lĩnh vực, theo đó chỉ còn khoảng 4 DN.
Được biết, hiện tại đang có hai loại thoái vốn nhà nước: Thứ nhất là thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Thứ hai là bán tiếp vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại DN nhà nước.
Đến nay tổng số DN nhà nước được sắp xếp là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN và bộ phận DN. Qua sắp xếp, hiện cả nước còn 718 DN nhà nước.
Tính đến tháng 9/2016, trong số gần 1.000 DN tiếp nhận, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 DN (trong đó bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).