Sau vụ sập nhà cổ ở Hà Nội, người dân sống trong các chung cư cũ, xuống cấp tại Hà Nội và cả TP. HCM rất bất an.
Mưa to, lo sập nhà!
Khu tập thể H36 ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội được xây dựng từ năm 1983 do Công ty CP Đầu tư và Xây lắp H36 quản lý bị xếp vào nhóm chung cư nguy hiểm. Theo bà Trần Thị Miền - tổ phó tổ 30, cụm 7, phường Xuân La - khu tập thể H36 hiện là nơi sinh sống của 61 hộ với 400 nhân khẩu. Từ khi nghe tin vụ sập ngôi biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo, người dân rất lo sợ.
“Trước đây, các hộ dân trong khu tập thể đã nộp đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền, mong muốn sắp xếp lại nhà ở theo phương án mà dân đã thống nhất với chủ đầu tư. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc nên chưa quyết định được giải pháp” - bà Miền cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu ở tập trung khác như khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai), khu tập thể C8 Giảng Võ, khu tập thể Thành Công (quận Đống Đa)... xuống cấp nghiêm trọng, nhiều căn hộ có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Tại khu tập thể C8 Giảng Võ, nhiều căn hộ rêu xanh bám đầy tường, các đường ống nước chằng chịt, dây điện mắc như mạng nhện. Đường lên khu tập thể giống như đi vào hang tối, nền nhà ẩm thấp, nhớp nháp, rất mất vệ sinh...
Việc ngập lụt mỗi khi mưa lớn thành chuyện như “cơm bữa” đối với người dân sinh sống trong các khu tập thể này. Đặc biệt, ở nhiều nơi, vì khoảng không gian chật chội nên các gia đình đã tự ý xây dựng và mở rộng các lan can, “chuồng cọp”… Về lâu dài, đây sẽ là mối nguy hiểm rất đáng lo ngại.
Biết nguy hiểm, vẫn không đi
Tại TP. HCM, khá nhiều chung cư bị xem là “chung cư ma”, điển hình là chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5). Chung cư này xây dựng từ những năm 1960, quy mô 13 tầng lầu, từng có 530 gia đình. Do chung cư xuống cấp nghiêm trọng, năm 2008, UBND TP. HCM chỉ đạo di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 12 hộ nhất quyết không di dời.
Anh Nguyễn Ngọc Thành (một trong những người vẫn còn ở chung cư 727) phân trần: “Chung cư xuống cấp đến nỗi chúng tôi phải rào nhiều lối lên cầu thang để tránh sụp đổ. Biết nguy hiểm là thế nhưng chúng tôi biết chuyển đi đâu, làm gì với số tiền bồi thường chỉ 150-170 triệu đồng/căn?”. Theo bà Phạm Thi Thu (sống tầng 11), để lên căn hộ, gia đình bà phải đu, trèo qua các cửa sổ của các căn hộ khác. Thế nhưng, bà vẫn cứ ở như vậy vì không thể chấp nhận giá đền bù quá thấp.
Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM) cũng đang trong tình trạng đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều bức tường của khu nhà nứt nẻ trong khi trần nhà hệ thống cột đỡ bể bê tông, lòi thép. Dù vậy, 300/900 hộ dân vẫn chưa chịu di dời. Nguyên nhân cũng là do tiền đền bù quá thấp.
Không chỉ riêng 2 chung cư trên, các khu chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3), Ngô Gia Tự (quận 10), Thanh Đa (quận Bình Thạnh)... cũng đang tình trạng tương tự. Mỗi khi mưa to gió lớn là người dân nơp nớp lo sợ.
Vướng cơ chế
Hà Nội hiện có khoảng 1.100 khu chung cư cũ. Trong đó, số lượng khu chung cư nguy hiểm mức độ C, D cần cải tạo là 68. Còn tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, trong tổng số 1.244 chung cư hiện hữu, có gần 500 chung cư cũ, xây trước năm 1975. Một thống kê khác của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết khoảng 200 chung cư tại TP xây dựng từ giữa những năm 1960 đang xuống cấp trầm trọng.
Vấn đề đặt ra là vì sao đến nay, việc cải tạo, khắc phục và các phương án di dời các hộ dân sống trong các chung cư cũ, xuống cấp ở Hà Nội cũng như TP. HCM có nguy cơ bị sập vẫn rất chậm chạp?
Ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61 - Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định việc rà soát, kiểm tra, kiểm định chung cư cũ trên địa bàn TP đã và đang tiến hành nhưng phải làm từng bước. Theo ông Tú, những chung cư nào qua kiểm định nằm trong mức độ đặc biệt nguy hiểm thì chắc chắn TP sẽ có biện pháp mạnh để di dời người dân và tháo dỡ, xây dựng lại.
Tuy vậy, một cán bộ ngành xây dựng cho rằng ngoài lý do bồi thường thấp dẫn đến việc người dân chậm di dời để cải tạo chung cư hay thay đổi dự án, vướng mắc lớn nhất là do chồng chéo quy định. Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2007, Chính phủ cho phép TP điều chỉnh chiều cao chung cư để thực hiện việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Song, đến năm 2010, Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung TP. Hà Nội, quy định hạn chế chiều cao xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô.
“Vì lý do này, doanh nghiệp không muốn tham gia, công tác xã hội hóa cải tạo chung cư cũ gần như tê liệt. Chương trình “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị” của TP. Hà Nội dù triển khai đã lâu nhưng đến nay cũng chỉ mới chỉnh trang được một số ít chung cư” - vị cán bộ này lý giải.
Tháo nút thắt cơ chế
Các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện thông thoáng, cơ chế phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia các dự án cải tạo chung cư cũ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết Bộ Xây dựng đang chuẩn bị dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo ông Ninh, sau khi nghị định ban hành, Hà Nội và TP. HCM sẽ được tháo nút thắt cơ chế. Bởi lẽ, theo nghị định, UBND tỉnh, thành được phép quyết định độ cao công trình xây dựng nhà cao tầng.
Rà soát toàn bộ biệt thự, nhà ở, chung cư cũ
Văn phòng UBND TP. Hà Nội ngày 24/9 đã có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về việc tiếp tục khắc phục sự cố tai nạn tại nhà 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị quản lý sử dụng tòa nhà (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẩn trương khảo sát, đánh giá về chất lượng công trình, ảnh hưởng của sự cố khu nhà chính đến các công trình nhà ở còn lại trong khu đất 107 Trần Hưng Đạo.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chủ trì rà soát các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp; đề xuất các giải pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho nhân dân.
Theo Báo Người Lao Động