|
Tắt sóng 2G là vấn đề tất yếu bởi công nghệ viễn thông di động này đã quá lạc hậu, trong khi thế giới đã triển khai rộng rãi 5G và đang nghiên cứu 6G.
Việc tắt sóng 2G cũng góp phần giải phóng tần số để nhà mạng có thể dùng cho những công nghệ mới hơn, đồng thời giảm bớt chi phí vận hành thiết bị cũ vốn tốn điện, phát sinh nhiều carbon.
Cho đến nay, trên hệ thống các nhà mạng Việt Nam vẫn có hơn 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Việc tắt sóng 2G làm sao để không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các thuê bao này, cũng như không tạo ra tác động lớn về doanh thu cho các nhà mạng, là một câu hỏi mà Câu lạc bộ Nhà báo ICT Việt Nam đã đặt ra cho đại diện Cục Viễn thông và 4 nhà mạng lớn trong hội thảo tổ chức ngày hôm nay (5/12).
Lùi thời hạn tắt sóng 2G thêm 2 năm
Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số - Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo kế hoạch đã công bố trước đây thì đến tháng 9/2014 các doanh nghiệp viễn thông sẽ tắt sóng 2G.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã điều chỉnh một chút kế hoạch này, theo đó mốc thời gian nói trên là thời điểm tắt sóng của các thiết bị 2G only, còn các thiết bị 3G, 4G non-content chạy trên nền tảng 2G (là các thiết bị không hỗ trợ công nghệ VoLTE) vẫn được hoạt động cho đến tháng 9/2026.
Giải thích thêm về kế hoạch này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết việc xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện từ năm 2016. Chủ trương này của Bộ đã được các doanh nghiệp viễn thông đồng thuận.
Cục Viễn thông đã tham mưu cho Bộ để ban hành Thông tư 43/2020 quy định cấm nhập khẩu và sử dụng các thiết bị 2G từ tháng 7/2021. Từ năm 2021 đến 2025, Bộ và các nhà mạng sẽ có chương trình hỗ trợ các thuê bao vùng sâu vùng xa, hộ nghèo để chuyển thiết bị đầu cuối từ 2G sang công nghệ mới hơn là 3G, 4G.
Ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ rằng, UBND các tỉnh cũng có mong muốn phổ cập điện thoại thông minh qua các chương trình hỗ trợ người dân, giúp họ có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại thông minh. UBND và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh cũng sẽ đồng hành thực hiện việc này.
Bên cạnh việc quy hoạch, xem xét lượng thuê bao 2G còn trên mạng để xác định thời điểm ngừng cung cấp dịch vụ, các nhà mạng đã thử nghiệm công nghệ mới là 5G từ năm 2019. Việc triển khai thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện sớm sau khi các doanh nghiệp được cấp băng tần thông qua đấu giá, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Sự vào cuộc tổng thể của Bộ, Sở, các doanh nghiệp và UBND có thể giúp tắt sóng 2G an toàn, ông Nhã nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị như thế nào cho việc tắt sóng 2G?
Viettel
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó TGĐ Viettel Telecom cho biết, đón nhận chủ trương của Bộ, cũng như phù hợp mong muốn của nhà mạng, của người dân, Viettel đã có nhiều biện pháp thúc đẩy chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G.
Việc xúc tiến chuyển đổi không phải thực hiện trong 1-2 năm trở lại đây mà Viettel đã thực hiện từ 4 năm qua. Viettel là nhà mạng chuyển đổi thuê bao sang 3G, 4G khá thành công. Lượng thuê bao 2G trên hệ thống chỉ còn chiếm 2%, thuê bao 3G là 0,2%, còn lại là các thuê bao 4G. Ông Tính đánh giá việc chuyển đổi đem lại giá trị rất lớn về nguồn lực cho Viettel.
Đối với thuê bao 2G còn lại chỉ chiếm khoảng 2% nên Viettel xác định đến tháng 9/2024 có thể hoàn thành tắt sóng 2G theo lộ trình. Ông Tính chia sẻ, để khuyến khích các thuê bao chuyển đổi, Viettel đã và đang thực hiện 4 biện pháp gồm:
Thứ nhất, mở rộng vùng phủ 4G ra cả vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Thứ hai, hỗ trợ dịch vụ, giá cước cho khách hàng, khuyến khích khách hàng gia tăng trải nghiệm 4G. Thứ ba, hỗ trợ 50% giá máy cho khách hàng chuyển từ 2G lên 4G, bao gồm cả feature phone (điện thoại dùng tính năng nghe gọi cơ bản) và smartphone. Phổ cập smartphone giá rẻ 4G trên toàn quốc. Viettel đã phối hợp với Samsung để cung cấp các dòng máy này với giá khoảng 60 USD. Nó giúp cho chiến lược xóa sổ máy 2G phổ cập máy 4G trở nên dễ dàng hơn. Thứ tư, điều chỉnh một số chính sách như hạn chế cung cấp dịch vụ trên nền tảng 2G, giảm khuyến mại 2G, tăng khuyến mại 4G.
VNPT - VinaPhone
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Ban công nghệ VNPT, cho biết, từ năm 2015 khi lưu lượng 2G chỉ chiếm 60% trên hệ thống thì VNPT đã nhận thấy công nghệ 2G đã cũ và lên kế hoạch khuyến khích thuê bao chuyển đổi sang 3G, 4G. VNPT đã thực hiện nhiều chương trình ưu tiên thuê bao sử dụng 3G, 4G.
Kể từ đó, VNPT đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ 2G và cho đến nay đã tắt được khoảng 10% các trạm 2G.
Tập đoàn đã xây dựng giải pháp để đến tháng 9/2024 chuyển đổi toàn bộ thuê bao 2G only, đang chiếm 8% tổng số thuê bao trên hệ thống, tương đương gần 3 triệu thuê bao, sang sử dụng công nghệ 4G.
Ông Khánh nhấn mạnh VNPT đã có giải pháp cho gần 3 triệu khách hàng sử dụng 2G nói trên, và áp dụng theo đặc điểm thuê bao: người dùng máy 2G là thiết bị đắt tiền, người già, người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các thuê bao sẽ được trợ giá sử dụng dịch vụ 4G cũng như trợ giá smartphone khi chuyển đổi.
MobiFone
Đối với MobiFone, đây là một nhà mạng có số lượng khách hàng 2G chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 3 triệu thuê bao trên tổng số 20 triệu.
Ông Lê Mai Sơn, Trưởng phòng truyền thông MobiFone cho biết công ty ủng hộ chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tắt sóng 2G để chuyển khách hàng sang sử dụng 4G, tăng cường hạ tầng để triển khai các dịch vụ nội dung số, chuyển đổi số.
Ông Sơn nói rằng thời gian qua MobiFone cũng đã tiến hành tắt 2G ở các khu vực đo đếm lưu lượng thuê bao 2G only rất thấp. Trước khi tắt đều có xem xét đánh giá mức độ ảnh hưởng. Để chuyển đổi thuê bao, MobiFone cũng đã áp dụng 4 biện pháp bao gồm: Truyền thông cho khách hàng trên tất cả các kênh của MobiFone; Hỗ trợ khách hàng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí; Hợp tác với chuỗi và các hãng để cung cấp các dòng smartphone 3G, 4G giá rẻ; Thiết kế các gói cước phù hợp, đa dạng hình thức nhằm tạo thói quen mới cho khách hàng đã từng dùng 2G.
Vietnam Mobile
Ông Đào Hải Nam, đại diện nhà mạng Vietnam Mobile cho biết, đứng trước chủ trương của Bộ là chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G, nhà mạng này rất ủng hộ và đang lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi. Vietnam Mobile đã ưu tiên tần số dùng cho 4G và tắt dần 2G. Song song với đó thực hiện truyền thông cho khách hàng.
Hiện tại trên mạng của Vietnam Mobile còn một số lượng lớn thuê bao 2G cần phải chuyển đổi. Tuy nhiên, đây là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam mà chạy song song cả 3 công nghệ 2G, 3G và 4G trên cùng một tần số 900 Mhz vốn dùng cho 2G.
Những vướng mắc của các nhà mạng khi tắt sóng 2G
Trao đổi với phóng viên của Câu lạc bộ Nhà báo ICT Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Tính đã chia sẻ về 5 vướng mắc mà Viettel đang gặp phải khi tiến hành tắt sóng 2G, đó là: Đối tượng khách hàng dùng 2G khoảng 70% ở nông thôn nên khả năng tiếp cận thông tin thấp; Khả năng tiếp cận các kênh để chuyển đổi thấp; Rào cản về thu nhập, mua thiết bị thông minh; Nhiều cửa hàng bán lẻ vẫn bán thiết bị cũ, không chính thống, dẫn đến khách hàng mua nhầm máy 2G; Tâm lý của những người chưa dùng smartphone cho rằng đây là loại thiết bị khó dùng, hoặc dùng 4G sẽ phát sinh nhiều chi phí.
Đồng tình với nhận định của ông Tính, ông Nguyễn Quốc Khánh nói rằng VNPT ước tính quá trình tắt sóng 2G và khuyến khích thuê bao chuyển đổi lên 4G có thể tốn kém hàng nghìn tỉ đồng từ các chi phí chuyển đổi, khâu truyền thông và chi phí rà soát hạ tầng, cũng như nguồn lực nội bộ huy động cho công tác này.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam nhấn mạnh rằng sở dĩ nhiều quốc gia trên thế giới tắt sóng 2G rất "nhẹ nhàng" và nhanh chóng là vì ở các quốc gia đó nhà nước không quản lý trực tiếp, không bắt buộc ngày tháng cụ thể phải tắt sóng, mà việc đó để doanh nghiệp tự quyết định dựa nhu cầu kinh doanh, doanh thu. Nếu doanh nghiệp cảm thấy việc tắt 2G không ảnh hưởng tới doanh thu họ sẽ làm rất nhanh.
Trong khi đó, các nhà mạng viễn thông hiện nay không quyết định được thời điểm tắt sóng 2G. Có những nhà mạng mà số lượng thuê bao 2G trên hệ thống hiện nay thấp có thể rất đồng tình với thời điểm mà Bộ đưa ra là tháng 9/2024, nhưng cũng có nhà mạng miễn cưỡng làm việc này vì họ vẫn có doanh thu lớn từ các thuê bao 2G, chưa kể tiền hỗ trợ khách hàng 50% để đổi điện thoại mới.
Đối với việc hỗ trợ điện thoại mới, Viettel hiện nay đang cung cấp một số mẫu máy hỗ trợ công nghệ 4G với mức giá thấp nhất là 290 nghìn đồng, phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Trong khi đó, VNPT lại không ưu tiên sản xuất smartphone giá rẻ, dù có đủ khả năng, mà tập trung vào trợ giá, giảm giá các gói cước.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết Quỹ Viễn thông công ích đang có 400 nghìn máy để hỗ trợ những gia đình khó khăn nhằm thúc đẩy người dùng sớm chuyển sang sử dụng công nghệ 4G.
Trên thế giới hiện nay đã có 149 nhà mạng thuộc 77 quốc gia tắt sóng 2G, trong đó 63% ở châu Âu và 23% ở châu Á. Tại Mỹ, nhà mạng AT&T đã tắt sóng 2G từ năm 2017, còn Verizon thì mới tắt sóng vào năm 2020. Các nhà mạng của Australia cũng tắt sóng từ năm 2017, còn Nhật Bản thì đã tắt sóng 2G từ năm 2010.
Theo thống kê của Huawei, trong số các quốc gia đã tắt 2G hoặc 3G thì 87% nhà mạng lên 4G, trong đó 55% lên 4G only, còn lại 32% lên 4G, 5G.