15% cổ phần Vinaconex 39 (PVV) sắp được sang tay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hai thành viên HĐQT Vinaconex 39 là ông Đỗ Hoàng Anh và ông Phạm Đức Tuấn, cùng các cổ đông liên quan, đăng ký bán 4,48 triệu cổ phiếu PVV, tương ứng 14,9% vốn. Các giao dịch đều được thực hiện từ ngày 8/12/2023 - 5/1/2024.

CTCP Đầu tư SPX (SPX) vừa đăng ký bán 1,09 triệu cổ phiếu PVV, tương đương 3,65% vốn của CTCP Vinaconex 39 (Vinaconex 39). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 8/12/2023 – 5/1/2024, qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

SPX cho biết việc bán ra toàn bộ cổ phiếu PVV nhằm ‘cân đối tài chính công ty’. Đây là tổ chức có liên quan tới ông Đỗ Hoàng Anh - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinaconex 39.

Đáng chú ý, ông Đỗ Hoàng Anh và phu nhân Nguyễn Thị Huyền Trang cũng đăng ký bán ra tổng cộng 2,06 triệu cổ phiếu PVV, trong khoảng thời gian từ ngày 8/12/2023 – 5/1/2024.

Cùng khoảng thời gian trên, một thành viên HĐQT khác của Vinaconex 39 là ông Phạm Đức Tuấn đăng ký bán toàn bộ 1,27 triệu cổ phiếu PVV. Ông Phạm Tất Hoàng Nam – anh trai ông Tuấn, cũng đăng ký bán ra toàn bộ 48.300 cổ phiếu PVV đang nắm giữ.

Trước đó, từ ngày 3/7-1/8/2023, ông Trịnh Đức Phú – Chủ tịch HĐQT Vinaconex 39 – đã bán 1,02 triệu cổ phiếu PVV, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 4,03% xuống 0,63%.

Các ông Đỗ Hoàng Anh và Trịnh Đức Phú đắc cử vào HĐQT Vinaconex 39 vào hạ tuần tháng 5/2022.

Trong đó, ông Đỗ Hoàng Anh sinh năm 1984, có trải nghiệm kinh doanh khá phong phú. Bên cạnh các chức vụ tại SPX và Vinaconex 39, ông Hoàng Anh còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Kiến trúc Cinca Việt Nam (Cinca Việt Nam) và CTCP HR – VJC (HR – VJC).

SPX, Cina Việt Nam và HR - VJC, theo tìm hiểu của VietTimes, đều có dấu ấn của vị doanh nhân 8x Nguyễn Tiến Thành.

PVV 1.png
Diễn biến giá cổ phiếu PVV (Nguồn: FireAnt)

Vinaconex 39 có gì?

Vinaconex 39 tiền thân là CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư bất động sản.

Doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu PVV trên sàn chứng khoán vào tháng 9/2010. Khi ấy, doanh nghiệp này có tên gọi là CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC. Cụm từ ‘Vinaconex – PVC’ phần nào phản ánh cấu trúc sở hữu của PVV ở thời điểm đó, với sự góp mặt của các cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Sau hơn 1 thập kỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán, cơ cấu sở hữu của Vinaconex 39 đã có nhiều thay đổi. Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) hiện là tổ chức duy nhất 'ra mặt' tại Vinaconex 39 trong vai trò cổ đông lớn, nắm giữ 5 triệu cổ phiếu, tương ứng với 17% vốn điều lệ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4, ban lãnh đạo Vinaconex 39 cho biết đã hoàn thành công tác cơ cấu công ty PVV-IC, CTCP Bất động sản Rồng Việt, và sẽ làm việc với OceanBank để giải tỏa khoản nợ quá hạn, tăng bậc tín dụng cho công ty.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Vinaconex 39 cũng đặt mục tiêu hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai dự án Phan Trọng Tuệ trong năm 2023, tìm kiếm đối tác để triển khai hoặc chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Nam An Khánh để lấy tiền đầu tư vào các dự án có tiềm năng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Vinaconex 39 lỗ lũy kế 21,8 tỉ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty này báo lỗ 20,8 tỉ đồng. Thua lỗ triền miên, tính đến ngày 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Vinaconex 39 ở mức âm 86,6 tỉ đồng./.