Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy hơn 40 tàu chiến Trung Quốc tập hợp gần đảo Hải Nam. Đây là lần điều động chiến hạm lớn nhất của hải quân Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm, nhiều tàu chiến trên mặt nước và tàu sân bay Liêu Ninh.
Tàu Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống khởi hành về phía nam qua eo biển Đài Loan tuần trước sau khi rời cảng ở Thanh Đảo và tới Biển Đông vào ngày 21.3. Sau đó, nó tập hợp với các tàu khác thuộc Hạm đội Nam Hải đã tới đảo Hải Nam trong nhiều ngày để tập luyện. Cuộc tập luyện được hải quân Trung Quốc tuyên bố là: "Một kế hoạch thường niên cho hải quân, nhắm tới việc kiểm tra và nâng cấp mức độ huấn luyện quân đội để nâng cao hoàn toàn khả năng chiến thắng".
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang diễn tập FONOP tại Biển Đông.
Cuộc tập trận diễn ra sau khi một loạt những động thái trong khu vực. Đầu tháng 3, tàu sân bay USS Carl Vinson đã cập cảng Đà Nẵng, chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1975. Sau chuyến thăm, USS Carl Vinson cùng đội hộ tống đã tổ chức một cuộc tập trận thử nghiệm hợp đồng tác chiến với một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Nhật Bản tại Biển Đông.
Cũng cùng thời gian trên, tàu HMS Sutherland tuần tra quanh Biển Đông, đây là tàu chiến đầu tiên của Anh được triển khai trong khu vực sau nhiều năm. Cùng thời gian hạm đội Trung Quốc diễn tập, các quan chức Mỹ tiết lộ tàu khu trục USS Mustin đang thực hiện cuộc diễn tập thực hiện chiến dịch tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) gần Đá Vành Khăn - nơi Trung Quốc đã xây dựng và cải tạo trái phép trong quần đảo Trường Sa.
Thời gian tàu Carl Vinson hiện diện và tàu Sutherland tuần tra ở Biển Đông có thể là lý do khiến Trung Quốc lên lịch trình diễn tập nhưng đây có vẻ không phải là hành động để đáp trả lại những sự kiện trên. Hai năm qua, tàu Liêu Ninh đã diễn tập tại Biển Đông vào tháng 12 và tháng 1. Hè năm ngoái, tàu Liêu Ninh cũng xuất hiện tại Biển Đông trong dịp Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ngày giành lại Hồng Kông từ Anh quốc.
Ảnh vệ tinh từ PlanetLab cho thấy đội hình tàu của Trung Quốc được xếp thành hai hàng.
Theo ảnh từ Planet Labs, một vệ tinh thương mại cho thấy những tàu Trung Quốc xếp thành 2 hàng dẫn đầu bởi 10 tàu ngầm đang lướt trên mặt nước theo sau là những tàu chiến trên mặt nước, ở trung tâm là tàu Liêu Ninh và một tàu lớn khác có thể là tàu hỗ trợ hoặc cung cấp nhiên liệu và nhiều loại tàu chiến khác.
Trên ảnh cho thấy có 2 máy bay lớn có thể là máy bay ném bom chiến lược H-6 được hộ tống bởi 2 máy bay nhỏ hơn. Không dừng ở đó, ngày 29.3 Trung Quốc đã điều 12 chiếc H-6K từ Thiểm Tây đến diễn tập trên Biển Đông. H-6K là bản nâng cấp hiện đại nhất của H-6, được sao chép từ máy bay Tupolev Tu-16 Liên Xô.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K.
Ra mắt từ năm 2007, H-6K trang bị động cơ D-30KP của Nga, có bán kính tác chiến khoảng 3.200 km hoặc 5.630 km nếu được tiếp dầu trên không. H-6K có thể mang 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 với tầm bắn 1.450-2.400 km hoặc 6 tên lửa diệt hạm YJ-12. Trung Quốc đã sản xuất khoảng 16 chiếc H-6K và nhiều khả năng đang nghiên cứu biến thể mới sử dụng động cơ WS-18 nội địa.
Nhiều nhà quan sát bình luận đội hình sắp xếp của các tàu Trung Quốc là cổ lỗ, không có thực tế về mặt quân sự và cả "lố bịch" khi sắp xếp các tàu chiến như vậy. Nhưng hạm đội tàu chiến khổng lồ này có vẻ không phải được sắp xếp để tập chiến đấu mà để biểu dương lực lượng thì đúng hơn.
Hải quân Mỹ và những đối tác của họ gọi đội hình này là "thực tập chụp ảnh". Đây là một cách để tập hợp tất cả các tàu trong một bài tập luyện lớn, kết hợp các đội hình tàu chiến phổ thông và cung cấp cơ hội để cho công chúng thấy quy mô của cuộc tập trận và kỹ năng của hải quân.