Theo đó, các dự án VSIP mới lần lượt được đặt tại các tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư dự án VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 (Bình Thuận); tham gia nghi thức khởi công dự án VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2 và ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam-Singapore tại tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, hai bên còn chứng kiến lễ công bố Quyết định chấp thuận khảo sát tài nguyên biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ý định thư của Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng (Bộ Công Thương Singapore) về đề xuất phát triển hạ tầng xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore của Liên doanh PTSC và Sembcorp.
“Singapore vui mừng khi được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói tại hội nghị.
Khi đến Việt Nam 10 năm trước, ông Long cho biết ông đã dự lễ khởi công khu công nghiệp VSIP thứ 5 tại Quảng Ngãi. Đến nay, các khu VSIP đã tiếp tục phát triển mạnh, thu hút được tổng vốn đầu tư 18 tỉ USD, tạo ra 300.000 việc làm.
Thủ tướng Lý Hiển Long kỳ vọng các khu VSIP sẽ tiếp tục đóng góp vào sự lớn mạnh kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hai bên sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, đổi mới sáng tạo.
Đáp lời Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hai nước đã có đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp quan hệ, nhất là sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại là trụ cột chiếm vị trí quan trọng nhất trong mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện.
Hiện nay, Singapore đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với hơn 3.300 dự án và 73 tỉ USD vốn đăng ký. Ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư hơn 150 dự án ở Singapore với tổng vốn đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Nhất trí với những định hướng trong quan hệ hai nước mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
“Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tôi tin các doanh nghiệp đến Việt Nam sẽ đầu tư thành công. Quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói./.