11 doanh nghiệp thép đấu khẩu với Tổng cục Hải quan

Hải quan các cửa khẩu đồng loạt yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thép phải thay đổi mã HS một mặt hàng phôi thép...
Việt Nam mới chỉ dùng một loại phôi thép duy nhất là phôi vuông để cán thép xây dựng (thép thanh, thép dây) và thép hình nhỏ (thép U,I)
Việt Nam mới chỉ dùng một loại phôi thép duy nhất là phôi vuông để cán thép xây dựng (thép thanh, thép dây) và thép hình nhỏ (thép U,I)

11 doanh nghiệp thép trong nước tuần qua đã phản ứng với Tổng cục Hải quan về việc cơ quan này thay đổi mã số hàng hóa (HS code) với mặt hàng phôi thép.

Sự việc bắt đầu từ ngày 15/11/2014, khi hải quan các cửa khẩu đồng loạt yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu thép phải thay đổi, khai báo, áp lại mã HS theo code mới với mặt hàng phôi thép không hợp kim có thành phần carbon dưới 0,25% (HS code 7207.19.00), đang chịu mức thuế nhập khẩu 5%, chuyển thành mã HS theo code mới là 7207.11.00, với mức thuế suất gần gấp đôi, lên 9%.

Khác biệt tiền tỉ


Từ trước đến nay, chủ yếu các doanh nghiệp vẫn kê khai, nhập khẩu loại thép trên theo mức thuế 5%.

Nay thì, hải quan yêu cầu các doanh nghiệp phải khai báo, áp lại mã số HS theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/11/2013. Thậm chí có nơi như Hải quan Hải Phòng, đã yêu cầu các doanh nghiệp vốn được thông quan trước thời điểm 12/11/2104 (thời điểm Tổng cục Hải quan có công văn yêu cầu doanh nghiệp kê khai, áp lại mã HS mới) phải mang hồ sơ đến chi cục hải quan để kiểm tra, áp lại thuế. 

Trong văn bản gửi các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã mô tả cụ thể hình dạng phôi thép theo code mới là: loại có mặt cắt ngang hình khác (trừ hình vuông và hình chữ nhật) và loại có mặt cắt ngang hình vuông, với chiều rộng lớn hơn hoặc bằng hai lần chiều dày.

Theo giải thích từ Tổng cục, việc phải mô tả lại hình dạng phôi thép (billet) vì theo kết quả kiểm tra, tra cứu trên hệ thống thống kê phân loại hàng hóa tại cơ quan này, thì có tình trạng doanh nghiệp khai báo mặt hàng phôi thép có mặt cắt hình vuông theo mã số 7207.19.00 (gọi tắt là mã 19.00). 

Mã này dùng để kê khai cho phôi thép loại khác, tức là không phải các loại phôi thép mã 11.00 (phôi chữ nhật và phôi vuông). Sự khác nhau giữa hai loại mã hàng hóa này là khai theo mã 11.00 thì bị áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo theo biểu thuế Hiệp định Thuế quan ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) 2012-2014 là 9%. Song, nếu chuyển sang kê mã 19.00 thì hưởng thuế ưu đãi 5%. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, trong tổng lượng nhập khẩu phôi thép các loại vào Việt Nam là 324 ngàn tấn, có đến 87,1% là lượng phôi nhập từ Trung Quốc, khai mã thép khác và nộp thuế 5%.

Có một số doanh nghiệp đã quay lại khai nộp thuế 9%, sau khi có văn vản của Tổng cục Hải quan. Mức chênh lệch giữa việc nộp thuế 5% và nộp thuế 9% của 253 ngàn tấn thép nhập từ Trung Quốc tính ra khoảng 102 tỉ đồng. 

Một số doanh nghiệp nhập khẩu không đồng tình với lý do áp mã thuế 9%. Để không muốn bị truy thu thuế và tiếp tục áp mức thuế 5%, các doanh nghiệp đồng loạt ký đơn gửi Tổng cục Hải quan cho rằng, việc kê khai theo mã hưởng thuế 5% đã thực hiện một số năm gần đây.

Lý lẽ của các doanh nghiệp này là mã 11.00, áp dụng với phôi thép chữ nhật và phôi vuông khó biết thế nào là chuẩn, bởi có loại phôi không hẳn vuông 100% (có góc bo tròn). Ý cơ bản của các doanh nghiệp là không muốn loại phôi vuông đang nhập về kê khai thuế 5%, nay bị đẩy lên mức 9%. 

Ông Kim Seong Gyun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép VSC-Posco (Hải Phòng) nói, việc lý giải áp mã HS mới với thuế suất cao hơn của Tổng cục Hải quan là “không rõ ràng và vô lý”.

Ông cho rằng, rất khó để hiểu đó là hình dạng mà Tổng cục Hải quan hướng dẫn là hình gì, vì “không thể đánh giá một cách cảm quan để áp đặt doanh nghiệp như vậy vì trên thực tế, mặt cắt ngang của hàng hóa có hai đường chéo không bằng nhau, các góc đều được bo tròn nên không phải góc vuông”. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp thép đã hiểu nhầm.

Vì, Thông tư 156/2011/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể về mã HS code 7207.11.00 và hải quan phải thực hiện đúng theo quy định này, còn loại sản phẩm mã HS code 7002.19.00 là dành cho mặt hàng thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm, là loại có mặt cắt ngang hình khác.

Theo Tổng cục, biểu thuế nhập khẩu ACFTA được áp dụng cho hải quan các nước Đông Nam Á, không riêng gì Việt Nam, đều  diễn giải về mã hàng hóa như trên. Trong khi các doanh nghiệp vẫn muốn áp mức thuế nhập phôi vuông vào “loại khác”, hưởng thuế 5% do cho rằng, định nghĩa về hình vuông nghĩa là phôi nhập về các góc… đều phải vuông.

“Trận đồ bát quái”


Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Nguyễn Văn Sưa cho rằng kiến nghị của các doanh nghiệp như trên cũng không hợp lý, và việc hải quan áp mã HS 7207.11.00 là đúng theo quy định của Bộ Tài chính đã hướng dẫn. 

Do hiện nay, Việt Nam mới chỉ dùng một loại phôi thép duy nhất là phôi vuông để cán thép xây dựng (thép thanh, thép dây) và thép hình nhỏ (thép U,I). 

“Trên thực tế, không có loại phôi thép có mặt cắt ngang là hình vuông hoặc hình chữ nhật mà có các góc vuông tuyệt đối, các đường chéo bằng nhau tuyệt đối. Các kích thước này đều có dung sai cho phép”, ông Sưa nói.  

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, “việc tranh luận mặt cắt ngang hình chữ nhật hay hình vuông chỉ là một cách chơi chữ, kéo nhau vào tranh luận rắc rối như trận đồ bát quái”.

Nhưng, ông cũng cho rằng, chính vì hải quan cũng không có chuyên môn sâu về thép, các mã số HS thép nhập khẩu hiện hành cũng chưa cập nhật được tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thép trong thời gian gần đây, cho nên, những giải thích của cơ quan này không khiến cho các doanh nghiệp “tâm phục”.

Với những lý giải khác nhau như trên, hải quan, Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thép liên quan có lẽ sẽ cần một cuộc họp chung, để đi tới cách hiểu thống nhất, chính xác về vấn đề này.

                                                                       Theo TBKTVN