100 năm sau thảm hoạ Kanto: Nhật Bản chuẩn bị ứng phó động đất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kỷ niệm 100 năm thảm hoạ động đất Kanto ở Nhật Bản mang đến nỗi lo lắng và bài học cho thế giới.

1.png
Nhật Bản vẫn chưa quên ký ức về thảm hoạ động đất Kanto (Ảnh: Economist)

Thảm hoạ rình rập

Hàng năm, vào ngày 1/ 9, các Bộ trưởng Nhật Bản sẽ đi bộ tới văn phòng Thủ tướng để tham gia một cuộc mô phỏng khủng hoảng. Trên khắp cả nước, các quan chức địa phương và học sinh diễn tập phòng chống thiên tai.

Đây là ngày đánh dấu trận động đất Kanto, một trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra gần thủ đô Tokyo vào năm 1923. Thảm họa đã làm ít nhất 105.000 người tử vong, trong đó có khoảng 70.000 người ở Tokyo, phá hủy 370.000 ngôi nhà và làm thay đổi tiến trình lịch sử của Nhật Bản.

Năm nay, lễ kỷ niệm 100 năm thảm họa đã mang lại nhiều ký ức, và cả sự lo lắng. Điều gì sẽ xảy ra khi trận động đất tương tự xuất hiện? Mặc dù các nhà địa chấn học không thể dự đoán chính xác khi nào một trận động đất sẽ xảy ra, nhưng dựa trên các mô hình và dữ liệu từ quá khứ, họ có thể dự báo khả năng xảy ra một trận động đất.

Các chuyên gia của chính quyền thành phố ước tính có 70% khả năng xảy ra trận động đất mạnh từ 7 độ richter trở lên tấn công thủ đô Tokyo trong vòng 30 năm tới. Dự kiến, số người thương vong sẽ ít hơn nhiều so với thảm họa năm 1923, nhờ công nghệ và quy hoạch tốt hơn: trường hợp xấu nhất dự kiến ​​có khoảng 6.000 người tử vong trong thành phố. Nhưng cuộc sống của hàng triệu người sẽ bị đảo lộn.

Một kịch bản khác cũng có khả năng xảy ra và có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Một trận động đất ở Máng Nankai, dự kiến ​​xảy ra ở phía nam Kansai, trung tâm công nghiệp của Nhật Bản, có thể gây ra sóng thần. Theo một ước tính, có tới 323.000 người có thể thiệt mạng. Cách tiếp cận của Nhật Bản đối với những thảm họa như vậy mang lại cái nhìn sâu sắc về một thế giới đang nóng lên và phải đối mặt với những thảm họa thường xuyên hơn.

Những trận động đất với quy mô như vậy có thể “thách thức sự tồn tại của đất nước Nhật Bản” và gây ra những làn sóng chấn động kinh tế trên toàn cầu, Fukuwa Nobuo đến từ ĐH Nagoya cho biết. Ví dụ, sau trận động đất tiếp theo ở Tokyo, việc khôi phục các chức năng cơ bản của thành phố có thể mất vài tuần và việc xây dựng lại thủ đô có thể mất nhiều năm; riêng thiệt hại trực tiếp có thể lên tới 11 nghìn tỉ yên (75 tỉ USD). Một nghiên cứu đã ước tính rằng sau một trận động đất ở Nankai, GDP Nhật Bản có thể giảm 11%.

Những thiệt hại như vậy có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ công của Nhật Bản. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng.

main_1500.jpg
Hình ảnh thảm hoạ kép động đất-sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 (Ảnh: Getty)

Đại thảm hoạ động đất Kanto

Vụ động đất năm 1923 bắt đầu ngay trước buổi trưa, tại một vùng hút chìm (subduction zone) ở Vịnh Sagami, phía nam Tokyo. Nhiều người trong số gần 4 triệu cư dân của thành không khác gì đang dùng bữa trưa trên một ngọn lửa. Hỏa hoạn lan rộng do gió mạnh thổi từ phía bắc, nơi có một cơn bão đổ bộ cùng ngày. Đám cháy bùng phát kéo dài gần 2 ngày do dư chấn khiến mặt đất không ổn định; một nửa thành phố bị đốt cháy.

Một trận động đất trong tương lai có thể bắt đầu theo cách tương tự hoặc tại các đường đứt gãy ở sâu trong đất liền. Nó có thể có sức tàn phá khủng khiếp. Tại các trung tâm “Học tập An toàn Cuộc sống” hiện đại, người dân Tokyo có thể trải nghiệm phiên bản mô phỏng. Ở cường độ 7 richter, người dân được hướng dẫn phải nằm sấp, nắm chặt một chiếc chân bàn.

Như lời những người hướng dẫn tại trung tâm, sống sót không dựa vào may mắn mà dựa vào sự chuẩn bị. Ở nhiều khía cạnh, Tokyo đã chuẩn bị tốt.

Trở lại năm 1923, kiến ​​thức khoa học của người dân lúc bấy giờ gần như không có, khi nhiều người tin vào truyền thuyết dân gian rằng sự rung chuyển là do namazu, loài cá da trơn khổng lồ sống dưới bề mặt trái đất gây ra. Hirata Naoshi, nhà địa chấn học tại Đại học Tokyo, chủ tịch hội đồng chuyên gia của chính quyền thành phố về các kịch bản địa chấn, giải thích: “Không ai biết trận động đất là gì”.

Địa chấn học hiện đại ở Nhật Bản khởi nguồn từ các viện nghiên cứu được thành lập sau trận động đất 1923. Những trận động đất sau đó, đặc biệt là trận động đất lớn Hanshin xảy ra ở Kobe năm 1995 và trận động đất lớn ở Tohoku, gây ra cuộc khủng hoảng ở Fukushima năm 2011, đã đóng góp vào sự hiểu biết tốt hơn về cơ cấu địa chấn. Nhật Bản thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ và có mạng lưới máy đo địa chấn cùng hệ thống cảnh báo sớm hàng đầu thế giới.

Nhật Bản cũng tập trung giải quyết vấn đề thứ đã biến những mối nguy hiểm tự nhiên thành những thảm hoạ do con người tạo ra.

Mặc dù không thể ngăn chặn động đất nhưng những người sống trong phạm vi của chúng có thể ít bị tổn thương hơn. Các nhóm dân sự liên quan đến thảm họa đã phát triển mạnh mẽ kể từ năm 1995; các tình nguyện viên tổ chức diễn tập, xây dựng mối quan hệ cộng đồng và chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

2.png
Trẻ em Nhật Bản trong một buổi diễn tập ứng phó động đất (Ảnh: Guardian)

Nhiều kế hoạch ứng phó thảm hoạ

Sau thảm họa kép năm 2011, Đạo luật Phục hồi Quốc gia mới quy định các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu triệt để hơn, đặc biệt chú ý đến khả năng xảy ra một trận động đất lớn ở Tokyo hoặc ở Máng Nankai. Năm ngoái, chính phủ Tokyo đã dành 6 nghìn tỉ yên trong 10 năm cho “Kế hoạch phục hồi Tokyo”.

Những cải thiện về cơ sở hạ tầng cũng giúp Tokyo trở nên an toàn hơn nhiều. Trận động đất Kanto đã thúc đẩy chính phủ Nhật Bản ban hành các quy định về xây dựng chống địa chấn. Các quy định này đã được cập nhật đáng kể vào năm 1981 và một lần nữa vào năm 2000. Khoảng 92% công trình kiến ​​trúc ở Tokyo đáp ứng các quy định; giảm ước tính thương vong hơn 3.000 người.

Kurino Haruhiko đến từ Kajima, một công ty xây dựng lớn, cho biết nhận thức về rủi ro thiên tai khiến các công ty xây dựng và nhà phát triển Nhật Bản muốn đầu tư thêm vào các biện pháp an toàn, ngoài những gì được quy định về mặt pháp lý. Trên đỉnh Tháp Ebisu Garden Place cao 40 tầng ở trung tâm Tokyo, Kajima gần đây đã lắp đặt một con lắc mới nặng 1.350 tấn được thiết kế để giảm một nửa độ rung lắc của tòa nhà chọc trời.

Trong vụ động đất năm 1923, ngọn lửa đã giết chết khoảng 90% số người thương vong. Trong những thập kỷ sau đó, chính phủ đã mua đất để mở rộng những con đường trọng điểm, tạo ra các vành đai phòng cháy để ngăn chặn hoả hoạn lây lan. Các nhà xây dựng chuyển sang sử dụng vật liệu ít cháy hơn.

Kinh nghiệm từ vụ động đất cho thấy sự cần thiết phải thiết kế các tuyến đường sơ tán tốt: trong thảm họa Kanto, gần 40.000 người đã chết trên một cánh đồng ở phía đông Tokyo, nơi ngọn lửa bao trùm từ mọi phía. Các khu dân cư hiện đã có địa điểm sơ tán được đánh dấu rõ ràng.

Bất chấp những sự tiến bộ đó, Tokyo hiện đại vẫn dễ bị tổn thương theo nhiều cách. Dân số thành phố đã tăng lên 14 triệu người. Hiroi Yu, đến từ ĐH Tokyo cho biết, mặc dù tỷ lệ xảy ra hoả hoạn có thể thấp hơn nhưng với số lượng hộ gia đình đông hơn thì “rủi ro tuyệt đối sẽ lớn hơn”. Nhiều khu dân cư tập trung nhiều nhà gỗ dễ cháy. Các khu nhà sơ tán có sức chứa 3,2 triệu người; như vậy khoảng 5 triệu người có thể phải di dời.

Các nhà quy hoạch lo lắng về những thảm họa kép, chẳng hạn như một trận động đất trong một trận đại dịch. Thảm họa có xu hướng làm đảo lộn ngay cả những kế hoạch được sắp xếp tốt nhất.

Lối sống của người dân Tokyo cũng đã thay đổi theo hướng khiến việc ứng phó với thảm họa trở nên khó khăn hơn. Có nhiều người sống một mình hơn; các cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy các hộ gia đình độc thân có xu hướng ít nhận thức và chuẩn bị cho thảm họa hơn. Những ngôi nhà gỗ kiểu cũ dễ bị cháy, nhưng chúng thúc đẩy cộng đồng gần gũi hơn và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn so với những tòa nhà cao tầng hiện đại.

Ngoài ra, Nhật Bản đang trải qua quá trình già hoá nhanh chóng, và ngày càng có nhiều người thuộc vào những nhóm cần được giúp đỡ. Người Nhật thường bàn tới an ninh quốc gia dưới góc độ mối đe dọa từ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nguy cơ đến từ dưới lòng đất của họ cũng là một vấn đề nguy hiểm không kém./.

Theo The Economist