|
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ và máy bay chiến đấu F-15K Hàn Quốc bay theo biên đội ở bán đảo Triều Tiên. Ảnh; Cankao. |
Tờ Aviation Week & Space Technology Mỹ gần đây cho rằng Thủy quân lục chiến Mỹ luôn tự hào về lực lượng mũi nhọn của họ. Là phi đội đầu tiên trong vài chục phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ triển khai ở khu vực Đông Á trong 10 năm tới, phi đội tấn công 121 của Thủy quân lục chiến Mỹ chính là một phi đội như vậy.
Đến đầu thập niên 20 của thế kỷ này, Triều Tiên sẽ đối mặt với trên 100 máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ngoài máy bay chiến đấu F-35 triển khai ở khu vực tuyến đầu của không quân, thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ, những máy bay chiến đấu F-35 này còn bao gồm 42 máy bay F-35J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản và 40 máy bay F-35A của Không quân Hàn Quốc.
Nếu không có sự chi viện của Trung Quốc hoặc Nga, Triều Tiên sẽ không thể chống đỡ được một đợt tấn công của máy bay chiến đấu tàng hình. Những máy bay chiến đấu tàng hình này có thể được dùng để quét sạch máy bay địch trên không, bắn rơi tên lửa và yểm trợ cho lực lượng mặt đất đang tấn công.
Trên thực tế, hệ thống radar và tên lửa đất đối không cũ kỹ của Bình Nhưỡng do Liên Xô cung cấp đều không phải là đối thủ của máy bay chiến đấu F-35. Hơn nữa, hệ thống radar và tên lửa đất đối không do Triều Tiên tự nghiên cứu phát triển cũng như vậy.
Chuyên gia an ninh của Công ty Rander Mỹ cho rằng quân đội Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 ở khu vực Đông Á sẽ làm bộc lộ "thế bất lợi thông thường mà quan trọng" của Triều Tiên. Thế bất lợi này là một nguyên nhân lớn làm cho Triều Tiên kiên định nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân và đẩy nhanh phát triển tên lửa.
Triều Tiên có tới 3 cơ sở làm giàu hạt nhân và rất có thể sở hữu 30 - 60 đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên hầu như còn đồng thời nghiên cứu phát triển 3 loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong đó bao gồm tên lửa Hwasong-14 đã từng 2 lần phóng vào tháng 7/2017.
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để đối phó với sự xâm lược của quân đội các nước phương Tây. Bất cứ ý đồ nào phát động một cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu do liên quân do Mỹ đứng đầu thì rất có thể sẽ nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Triều Tiên rất có khả năng phóng tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với các đô thị chủ yếu của hai nước này.
Nhà nghiên cứu lâu năm J.D. Williams của Công ty Rander cho rằng: "Triều Tiên biết rõ thế bất lợi quan trọng của đội quân thông thường của họ, đặc biệt là những bất lợi về hàng không".
Theo J.D. Williams: "Nếu nghiên cứu một chút về sách lược của các nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay và trước đây thì sẽ phát hiện họ luôn tìm cách sử dụng phương thức phi đối xứng để bù đắp điểm yếu quan trọng trong quân đội của họ".
Trong tình hình thiếu máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không tiên tiến hơn, Triều Tiên luôn đầu tư các nguồn lực lớn cho nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và lực lượng đặc biệt.
Chuyên gia Bruce Bennett, người nghiên cứu về vấn đề quân sự Đông Bắc Á của Công ty Rander Mỹ cho rằng khoảng cách ngày càng gia tăng giữa đội quân quy ước của Triều Tiên và quân đội các nước đối thủ là nhân tố gây bất ổn.
Bruce Bennett giải thích: “Triều Tiên không thể bắn rơi máy bay chiến đấu F-35 ở trên không. Họ không có khả năng dùng tên lửa đất đối không để bắn rơi máy bay chiến đấu F-35. Điều này buộc họ xem xét sử dụng tên lửa, thậm chí tên lửa hạt nhân và các phương tiện khác để tấn công các sân bay quan trọng hoặc tìm cách triệt tiêu mối đe dọa này".
Thủy quân lục chiến Mỹ đã xác nhận, phi đội tấn công 121 luôn triển khai ở Iwakuni Nhật Bản, vào tháng 3 vừa qua phi đội này đã lần đầu tiên đến thăm Hàn Quốc. Trong vài tháng tới, máy bay chiến đấu F-35A của Không quân Mỹ sẽ còn tiếp tục được tăng cường đến khu vực chiến lược Thái Bình Dương.