10 lời khuyên bảo vệ trẻ em mà bạn có thể sẽ cần đến

Thế giới bên ngoài thật to lớn và đầy màu sắc nhưng cũng đầy rẫy những cạm bẫy. Trước khi để cho con bạn tự do bên ngoài, bạn nên "huấn luyện" cho chúng một số kỹ năng cơ bản để đảm bảo chúng an toàn.

Trang Bright Side chia sẻ với chúng ta 10 lời khuyên để dạy cho con trẻ đâu là những động đúng khi gặp những con người xa lạ. Tốt nhất là bạn chỉ cho chúng thấy những hình ảnh minh họa trong bài này và thảo luận với chúng về các tình huống nguy hiểm khác nhau.

1. Không nên tiết lộ tên con của bạn

Không nên ghi tên của chúng lên những vật dụng cá nhân như cặp đi học, hộp cơm, chai nước… Và nói chung, những thông tin cá nhân của con bạn không nên để cho người lạ biết ngay từ lần đầu tiên họ gặp chúng.

Khi lần đầu chúng ta tiếp xúc với một người lạ, và họ biết tên bạn, gọi tên bạn, bạn có cảm thấy thoải mái không? Chắc chắn là có, và trẻ con cũng thế, người lạ sẽ dễ dàng có được sự tin tưởng của chúng khi chúng nghe họ gọi đúng tên mình. Điều này sẽ rất dễ dẫn đến những nguy hiểm về sau. Sẽ là hay hơn nếu bạn ghi số điện thoại của bạn (thay vì ghi tên con trẻ), điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi xảy ra thất lạc.

2. Chạy ngược chiều với chiều xe chạy

Chúng ta dạy cho trẻ con không được bước lên xe của người lạ và điều đó rất quan trọng. Nhưng bạn nên bổ sung cho chúng thêm một điều mới nữa: Nếu có một chiếc xe chạy từ từ theo chúng và những người ngồi trên xe vẫy gọi chúng, làm cho chúng chú ý và tìm cách tiếp cận chúng thì chúng phải chạy ra xa và chạy ngược chiều với chiều chạy của chiếc xe. Điều này sẽ giúp cho chúng có thêm thời gian hô hoán và gọi nhờ người đi đường giúp đỡ.

3. Tạo "mật khẩu" riêng của gia đình

Nếu có ai đó đến gần con bạn và bảo: "Đi theo cô, cô sẽ dắt con tới chỗ cha mẹ!" thì điều đầu tiên con của bạn phải hỏi người lạ mặt này là: "Thế cô cho con biết cha mẹ con tên gì? Và "mật khẩu" gia đình con là gì ạ?".

Chúng ta nên cùng con cái tạo ra một "cụm mật mã" riêng cho những người trong gia đình dùng trong những tình huống khẩn cấp (chẳng hạn như trong trường hợp bạn nhờ ai đó đi đón dùm con bạn khi nó tan trường hoặc sau khi một buổi đi chơi...). Hãy dùng những cụm từ, hay câu ngắn nào đó thật lạ và khó đoán để làm "mật khẩu" riêng cho gia đình của bạn.

4. Cài đặt ứng dụng theo dõi vị trí

Nếu con bạn được phép sử dụng smartphone, hãy cài lên điện thoại của chúng một ứng dụng theo dõi vị trí cho phép bạn biết được chính xác nơi ở của chúng (nhờ định vị GPS) và tình trạng pin trên thiết bị mà chúng đang dùng. Dưới đây là 2 ứng dụng đề cử để bạn dùng thử:

  • Life360 Locator

  • GPS Phone Tracker

5. Đeo những thiết bị có nút bấm báo động khẩn cấp

Những thiết bị có nút bấm báo động thường có dạng đồng hồ, dây đeo tay, vòng tay hoặc huy chương. Thông qua một ứng dụng di động chuyên dùng, phụ huynh có thể dễ dàng kiểm tra vị trí của chúng. Và khi trẻ con nhấn nút trên thiết bị, thông tin này sẽ được chuyển đến điện thoại của cha mẹ hoặc của cảnh sát trong vùng.

6. La lớn lên: "Cháu không biết người này!"

Nói với con của bạn là nếu chúng bị người lạ túm lấy, thì cư xử càng "tệ" càng tốt: như là cắn, đá, cào cấu, để thu hút sự chú ý của những người xung quanh càng nhiều càng tốt, ngay cả khi ở trong tình huống đáng sợ hơn. Đồng thời, con của bạn cũng nên la lên thật lớn: "Cháu không biết người này! Người này muốn đưa cháu đi!"

7. Dừng nói chuyện và giữ khoảng cách

Con của bạn cần biết rằng chúng không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ. Vì vậy, nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5-7 giây thì tốt nhất là chúng nên rời đi, di chuyển đến một nơi khác an toàn hơn.

Trong khi nói chuyện, con của bạn nên đứng cách người lạ từ 2 mét đến 2,5 mét. Nếu người lạ tiến đến gần, con bạn cần phải biết đứng lùi lại. Hãy thực hành tình huống này với con của bạn, chỉ cho chúng biết khoảng cách 2 mét là bao xa và nhấn mạnh rằng nên giữ khoảng cách này trong bất cứ tình huống nào.

8. Tránh đi chung thang máy với người lạ

Hãy dạy cho con bạn đứng dựa lưng vào tường khi chờ thang máy để chúng có thể thấy những người ra vào. Nếu thấy có người lạ thì con của bạn nhất định không được vào thang máy chung với người này. Tốt nhất là giả bộ để quên đồ và chạy đi lấy, để tránh bước vào trong thang máy.

Nếu người lạ có lời mời đi vào thang máy cùng, con của bạn có thể trả lời lịch sự: "Cha mẹ con đã dặn là con nên đi thang máy một mình hoặc đi với người nhà ạ!". Nói cho con bạn biết rằng nếu người lạ cố kéo chúng vào thang máy hoặc dùng tay bịt miệng chúng, thì chúng phải chiến đấu, la hét, cắn, cào cấu cho đến khi có người lớn đến ứng cứu.

9. Không cho người lạ biết cha mẹ đã đi ra ngoài

Giải thích cho con bạn biết nếu có ai đó gõ cửa mà chúng không thấy có ai qua lỗ nhỏ nhìn qua cửa, cũng như không có ai trả lời khi hỏi "Ai gõ cửa đấy ạ?" thì tuyệt đối không được mở cửa ra. Thêm nữa, con của bạn không được cho người lạ biết là cha mẹ chúng đã đi ra ngoài, hoàn toàn không được nói kể cả trong trường hợp người lạ nói là bạn của cha hoặc mẹ hoặc nói là một người thu tiền điện, tiền nước, sửa chữa… hoặc thậm chí người lạ nói là người của cảnh sát. Nếu như người lạ quyết tâm đòi vào trong nhà hoặc có dấu hiệu đột nhập, con của bạn cần gọi điện cho bạn hoặc người hàng xóm để được giúp đỡ.

10. Tránh kết bạn trực tuyến với người lạ

Cảnh báo con bạn rằng ngày nay, tội phạm có thể dễ dàng tìm thấy con mồi qua mạng internet. Và nếu có ai trên mạng nói rằng anh ta là "cậu bé 10 tuổi ở nhà bên" thì thực tế có thể không phải là như vậy. Chat qua mạng có thể gây ra những hậu quả rất khủng khiếp nếu đó là một đối tượng xấu.

Con của bạn không được chia sẻ với người lạ những thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà, tên, tuổi… Đồng thời, cũng nhắc con bạn (và cả bản thân bạn) không nên đăng tải lên mạng những hình ảnh cho biết hiện chúng đang ở đâu và làm gì ở đó. Và luôn luôn phải từ chối lời mời hẹn gặp trực tiếp ở ngoài đời.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2156004/10-loi-khuyen-bao-ve-tre-em-ma-ban-co-the-se-can-den