Với sự phản ánh chân thật cuộc sống giản dị và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội 4, đại đội 2, Tổng đội 55 Thanh niên xung phong, vở kịch gồm 2 hồi và 8 cảnh, có sự phối hợp giữa kịch nói và điện ảnh với âm thanh, ánh sáng hiện đại tạo nên một tác phẩm hoành tráng, xúc động với khán giả.
So với các tác phẩm văn học nghệ thuật trước đây viết về 10 nữ thanh niên anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, vở kịch này được Nguyễn Sĩ Đại sưu tầm nhiều chi tiết rất mới. Đặc biệt trong vở kịch có sự xuất hiện của hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Thật xúc động khi tác giả đưa cảnh đối thoại của tiểu đội 4 (tiểu đội có 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc) với Đại tướng. Theo như lời thoại của các nhân vật trong vở kịch, chị Võ Thị Tần tiểu đội trưởng, chị Hà và tất cả các chị em hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc đều đã được gặp mặt Đại tướng và được Đại tướng cổ vũ động viên ngay trên chính truyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam nơi các cô làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc trong một chuyến Đại tướng đi thị sát tình hình mặt trận đầu năm 1968.
Thay mặt tiểu đội, chị Võ Thị Tần đã hứa với Đại tướng: “Chúng cháu thề hy sinh tất cả chứ nhất định không để con đường tiếp viện cho Miền Nam giây phút nào bị tắc nghẽn. Xin bác tin tưởng ở chúng cháu ạ”.
Đại tướng cũng dặn dò: "Chúng ta chiến đấu để chiến thắng chứ không phải để hy sinh. Nhưng chiến tranh không thể tránh được hy sinh. Tôi không muốn ai hy sinh cả, mỗi chiến sĩ hy sinh là một nỗi đau lớn trong tôi, tôi không muốn mang thêm nhiều nỗi đau nữa… Tôi mong sớm có hòa bình để các cháu còn rất trẻ tuổi ở đây được sống cuộc đời tuổi trẻ bên người yêu, được đến giảng đường đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ để xây dựng đất nước..”, Đại tướng xúc động nói.
Nhận được một bông hoa ngọc lan từ tay tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Đại tướng rất xúc động và ngạc nhiên vì nơi bom đạn ác liệt các cô gái thanh niên xung phong vẫn rất lạc quan, yêu đời. Mấy ngày sau, Đại tướng nghe tin mười cô gái ở Tiểu đội 4 đã hy sinh. Ông đã kể lại câu chuyện gặp các cô TNXP ở Đồng Lộc cho phu nhân là bà Đặng Thị Hà. Bà Hà đã khóc.
Chân dung 10 Cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
|
Tròn 40 năm sau, ngày 29/5/2008, Đoàn đại biểu tỉnh Hà tỉnh và Ban Quản lý di tích đến thăm nhà Đại tướng tại Hà Nội. Đại tướng tặng đoàn một cây ngọc lan và một cây đa để trồng ở Ngã ba Đồng Lộc. Đại tướng nói: “Tôi và chị Hà cùng gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này để bày tỏ tấm lòng của bản thân tôi và gia đình đối với các liệt sĩ Đồng Lộc. Mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc cho cây đâm chồi nảy lộc và mãi mãi xanh tươi ở Ngã ba lịch sử này”.
Kỳ lạ là, khi cây đa và cây ngọc lan của Đại tướng được trồng xuống, chiều nào Đồng Lộc cũng có một trận mưa để tưới cho cây. Đại tướng bây giờ đã đi xa; các cô gái TNXP năm xưa đã yên nghỉ 50 năm nhưng cây đa và cây ngọc lan vẫn xanh tốt, trường tồn sức sống của những điều cao cả.
Hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng được xuất hiện trong tác phẩm để sau này anh có bài thơ ”Gửi em cô thanh niên xung phong” với câu thơ dí dỏm nổi tiếng mà bất cứ cán bộ TNXP mở đường Trường Sơn nào cũng biết : “Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn” và bối cảnh bài thơ này của Phạm Tiến Duật cũng xuất xứ từ đây tại Ngã ba huyền thoại này.
Có thể nói vở kịch ”Khoảng trời con gái” đang trong thời kỳ Nhà hát dân ca Nghệ An luyện tập dàn dựng nhưng hứa hẹn sẽ rất xúc động khi ra mắt công chúng, đấy cũng là khẳng định của Nghệ sĩ Nhân dân Giám đốc Nhà hát Hồng Lựu với chúng tôi.
Kinh phí để thực hiện chương trình nghệ thuật này do Viện nghiên cứu Truyền thông văn hóa dân tộc- Hội viên Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức với hình thức xã hội hóa (kêu gọi các nhà hảo tâm) và được Ban Chỉ đạo Ban Tổ chức 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc tỉnh Hà Tỉnh cho phép biểu diễn mở màn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng lộc tại Trung tâm Nhà Văn hóa tỉnh Hà Tình vào đêm 11 tháng 7 và tại Ngã ba Đồng Lộc đêm 12 tháng 7 năm 2018 để phục vụ nhân dân Hà Tĩnh.