Trang web Deutsche Welle của Đức đăng bài cho biết, sau sự leo thang của cuộc xung đột ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng NATO đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào thứ Sáu (28/2) để tham vấn về tình hình hiện tại. NATO tuyên bố rằng cuộc tham vấn này được tổ chức theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Điều 4 của Công ước Bắc Đại Tây Dương, khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của một quốc gia thành viên được coi là bị đe dọa, có thể yêu cầu tất cả các đồng minh bàn bạc.
Hội đồng NATO là cơ quan quyết sách cao nhất của NATO bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia thành viên. Khi cần thiết, các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và thậm chí là người đứng đầu chính phủ cũng có thể tham dự và gặp gỡ hai lần một năm. Trong thời gian diễn ra hội nghị cấp Bộ trưởng, các đại sứ của các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm về công việc hàng ngày của Hội đồng. Đây là lần thứ sáu NATO sử dụng đến Điều 4 của Công ước NATO kể từ khi thành lập năm 1949.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Idlip (Ảnh: AFP)
|
Tấn công vào “tất cả các mục tiêu đã biết của lực lượng chính phủ Syria”
Ít nhất 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 36 người bị thương trong một cuộc không kích ở tỉnh Idlib vào tối thứ Năm 27/2. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm và đã tiến hành một cuộc phản công, khiến 16 binh sĩ Syria thiệt mạng. Ankara nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các lực lượng không quân và mặt đất để tấn công “tất cả các mục tiêu đã biết của lực lượng chính phủ Syria”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các máy bay chiến đấu của phía Syria đã ném bom một đoàn xe quân sự ở phía nam Saraqib, một thành phố chiến lược ở tỉnh Idlib. Thị trấn này đã được chiếm lại bởi lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm 27/2.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khi Syria tiến hành không kích, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng đang hoạt động ở phía “các đơn vị chiến đấu của lực lượng khủng bố"; thế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thông báo (cho Nga) về hoạt động của các lực lượng vũ trang của họ ở các khu vực liên quan. Bộ Quốc phòng Nga nói thêm rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “không nên ở đó” và nói các máy bay chiến đấu của Nga cũng không thực hiện nhiệm vụ ở khu vực liên quan. Đồng thời, Moscow nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoganđã tổ chức các cuộc tham vấn qua điện thoại về tình hình ở Idlib. Chủ đề của buổi nói chuyện là làm thế nào để hạ thấp một khu vực xuống cấp xung đột trên một địa điểm do phiến quân kiểm soát.
Trại tỵ nạn của người Syria ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Dweutsche Welle)
|
Thổ Nhĩ Kỳ không còn ngăn người tị nạn vào châu Âu
Omer Celik, phát ngôn viên của đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Công lý và Phát triển (AKP), đã đe dọa sẽ mở cửa biên giới cho hàng triệu người tị nạn và không ngăn họ tới châu Âu nữa. Ông nói: “Chính sách tị nạn của chúng tôi không thay đổi như trước đây, nhưng hiện có một tình huống: chúng tôi không còn có thể ngăn chặn người tị nạn được nữa”. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria trong vài năm qua. Được biết, ngay sau khi tin tức này được công bố, mấy trăm người tị nạn đã đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria và Hy Lạp.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh phương Tây tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc bàn về tình hình Syria đã kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức tại Idlib. Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã đề nghị thiết lập một khu vực cấm bay ở Idlib. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng Washington ủng hộ đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu (Tổng thống Syria) chế độ Bashar al-Assad, Nga và các lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn “ngừng ngay lập tức cuộc tấn công bỉ ổi”. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang xem xét các phương án khác nhau để xác định làm thế nào cung cấp hỗ trợ tốt nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng này.
Idlib là khu vực rộng nhất do lực lượng phiến quân chống chính phủ Syria kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ phiến quân Hồi giáo trong cuộc xung đột này. Thực tế, khu vực này bây giờ cần có một thỏa thuận ngừng bắn. Theo thỏa thuận đạt được với Nga vào năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 điểm quan sát tại tỉnh Idlib để theo dõi lệnh ngừng bắn. Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Syria đã phát động một cuộc tấn công với sự hỗ trợ của Nga và đã liên tục tiến lên trong vài tuần qua. Tổng thống Assad luôn muốn thu hồi địa bàn cuối cùng do lực lượng phiến quân kiểm soát. Tổng thống Recep Erdogan đưa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực này và nhiều lần đe dọa rằng nếu lực lượng chính phủ Syria không rút lui, sẽ thực hiện các cuộc tấn công quân sự.
Người tỵ nạn bị chặn lại ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp (Ảnh: Deutsche Welle)
|
Hàng triệu người tị nạn bỏ nhà ra đi, Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới
Trong vòng một tháng trước hôm 27/2, đã có 20 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc giao chiến với lực lượng vũ trang Syria. Hiện có gần 1 triệu người Syria rời bỏ nhà cửa. Trong thời tiết giá lạnh hiện tại, những người này rất cần nơi trú ẩn, thực phẩm và thuốc men.
Bất chấp thỏa thuận đã ký với Liên minh châu Âu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã mở cửa biên giới với Hy Lạp và Bulgaria cho người tị nạn. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố đã phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Ngày 29/2, ông Recep Erdogan công bố tại Istanbul: “Chúng tôi đã mở rộng cửa”. Ông cũng chỉ trích EU đã không giữ lời hứa trong hiệp nghị về người tị nạn. Ông nói, kể từ thứ Sáu, 18.000 người tị nạn đã đến biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ nối với EU.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói hôm 28/2 rằng nước này sẽ không tiếp tục phong tỏa biên giới đối với những người tị nạn muốn đến EU. Tối hôm đó, Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đã viết tweet sau khi nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng EU nhận được “sự đảm bảo” từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara sẽ tiếp tục tuân thủ phần cam kết của mình trong gói phương án người tị nạn mà hai bên đã ký.
Sau sự kiện hàng trăm ngàn người tị nạn đổ vào Trung Âu thông qua tuyến đường Balkan năm 2015, tháng 3/2016, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hiệp nghị về người tị nạn. Với việc thực hiện phương án cả gói về người tị nạn, số lượng người di cư vào EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể.
Trong thỏa thuận, Ankara hứa sẽ tiếp nhận tất cả những người tị nạn mới đến các đảo ở biển Aegean của Hy Lạp và đẩy mạnh cuộc chiến chống lại các nhóm đưa người lậu. Đổi lại, EU hứa sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ những khoản viện trợ khổng lồ, đơn giản hóa thủ tục visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ sang EU và hiện đại hóa liên minh hải quan.
Khi Tổng thống Syria Assad và đồng minh Nga tiến hành một cuộc tấn công Idlib, pháo đài cuối cùng của lực lượng chống chính phủ Syria, số người tị nạn từ quốc gia đang nội chiến này tăng vọt. Đặc biệt là hoạt động của phiến quân Hồi giáo và thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tại Idlib khá sôi nổi.
33 sĩ quan và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào Idlib hôm thứ Năm 27/2 và một người lính khác đã chết vì vết thương quá nặng.
Ngày 29/2, Tổng thống Recep Erdogan tuyên bố, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn ở Idlib. Ông nói các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy kho vũ khí hóa học, hệ thống phòng không và đường băng sân bay của Syria. Với việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công khai trực tiếp tham chiến, quy mô cuộc chiến tại Syria có thể gia tăng...