Xung đột ở Nagorno-Karabakh, Armenia cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ chớ cho máy bay F-16 tham chiến

VietTimes – Các cuộc đụng độ khốc liệt giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu từ hôm 27/9 tại Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn, số người chết của cả hai bên đã tăng lên 95 người vào thứ Hai (28/9), có 11 dân thường, hàng trăm người khác bị thương.
Lính Azerbaijan tại mặt trận nã súng phóng lựu vào quân đội Armenia (Ảnh: Reutrs).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 29/9, Armenia đã cảnh báo, nếu Thổ Nhĩ Kỳ huy động các máy bay chiến đấu F-16 hỗ trợ Azerbaijan, họ sẽ giáng đòn phản kích thích đáng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã kêu gọi hai bên ngừng bắn và Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận khẩn cấp về cuộc chiến trong ngày thứ Ba (29/9).

Theo tố cáo của Bộ Quốc phòng Armenia, Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào tiền tuyến phía nam và đông bắc của vùng Nagorno-Karabakh vào sáng thứ 2 (28/9) khiến khoảng 200 binh sĩ của Armenia bị thương, nhưng hầu hết đều bị thương nhẹ và đã quay trở lại vị trí chiến đấu. Armenia cũng tuyên bố đã bắn rơi 49 máy bay không người lái, 4 máy bay trực thăng và 1 máy bay chiến đấu, phá hủy 80 xe bọc thép và 82 xe quân sự của Azerbaijan, đồng thời công bố các bức ảnh về một số xác máy bay.

Xác máy bay Azerbaijan do Armenia công bố (Ảnh: Đông Phương).

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 tới khu vực này trước đó. Bộ Quốc phòng Armenia hôm thứ Hai đe dọa, một khi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ được huy động tham gia vào cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan, phía Armenia sẽ đánh trả bằng tên lửa đất đối đất Iskander do Nga sản xuất, hy vọng tình hình sẽ không diễn biến xấu đi tới mức đó.

Đại sứ Armenia tại Nga tuyên bố: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho F-16 can thiệp vào, mọi lựa chọn đều đã có sẵn trên bàn, nhưng tôi tin rằng sẽ không đến mức đó. Hệ thống phòng không của quân đội Armenia vẫn có khả năng đối phó với các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan”.

Thi thể lính Azerbaijan bị Armenia giết chết (Ảnh: Reuters).

Cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Merkel để thúc giục phía Đức ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào của Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Merkel nhấn mạnh cuộc xung đột Nagorno-Karabakh cần được giải quyết một cách hòa bình và kêu gọi cả hai bên tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình trong khuôn khổ Nhóm OSCE Minsk.

Trước đó, cơ quan tình báo Armenia tuyên bố, Azerbaijan đã thuê mấy nghìn lính đánh thuê từ Syria tham gia cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm thứ Hai (28/9) phản bác về thông tin một số thi thể của lính đánh thuê từ Syria đã được tìm thấy trong số những người lính Azerbaijan thiệt mạng ở Armenia và cáo buộc bên kia che giấu vấn đề. Azerbaijan cũng nói họ đã phá hủy số lượng vũ khí khổng lồ của Armenia, bao gồm 24 xe tăng và xe bọc thép, 15 hệ thống phòng không và 18 máy bay không người lái.

Xe tăng Armenia bị UAV của Azerbaijan tiêu diệt (Ảnh: Đông Phương).

Cộng đồng quốc tế lo ngại về tình hình xung đột ngày càng ác liệt thêm. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã lên án vụ xung đột và lấy làm tiếc về những thương vong do hai bên gây ra. Ông kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời cũng nói chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo của cả hai bên Armenia và Azerbaijan. Theo yêu cầu của Pháp và Đức, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp khẩn cấp vào thứ Ba theo giờ New York để thảo luận về cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 29/9, do tình trạng thiết quân luật hiện nay, Armenia đã hạn chế xuất cảnh tất cả đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 55 và mọi cá nhân chỉ được xuất cảnh khi có sự cho phép bằng văn bản của Ủy ban quân sự.

Lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh, ông Arayik Harutyunyan nói tại cuộc họp báo ngày 28/9, cuộc xung đột đã dẫn đến cái chết của 53 binh sĩ vùng Nagorno-Karabakh và hơn 200 người khác bị thương. Nagorno-Karabakh đã giành lại được một phần lãnh thổ bị mất vào tay Azerbaijan ngày hôm trước.

Tên lửa Iskander uy lực cực mạnh, Armenia đe dọa sử dụng để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ cho F-16 tham chiến giúp Azerbaijan (Ảnh: Đông Phương).

Ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo 550 binh sĩ Armenia thiệt mạng trong cuộc xung đột, nhưng Armenia bác bỏ tuyên bố này. Theo thống kê chính thức của Armenia họ có 31 người đã thiệt mạng, trong khi khoảng 200 binh sĩ Azerbaijan bị chết.

Ông Vagharshak Harutyunyan, cố vấn chính của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian, ngày 28/9 nói Armenia hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở khu vực Naka. Ông cũng tuyên bố rằng mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là giành được lợi ích địa chính trị trong cuộc xung đột.

Theo các nguồn tin trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an dự định sẽ chính thức thảo luận về tình hình tại khu vực xung đột giữa Armenia và Azerbaijan trong ngày 29/9. Các nước Anh, Đức, Pháp, Estonia và Bỉ đã yêu cầu tổ chức họp khẩn cấp.

Dân chúng thành phố Stepanakert thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh phải sống dưới hầm trú ẩn (Ảnh: Reuters).

Nguồn tin cho biết “Cuộc họp sẽ được tổ chức theo phương thức trực tiếp và sẽ được tổ chức sau hội nghị chủ đề Syria”. Nguồn tin cho biết thêm, Bỉ, Estonia, Pháp, Đức và Vương quốc Anh đã chính thức gửi đơn xin tham vấn theo mục “vấn đề khác”.

Thư ký Báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 28/0 cho biết Điện Kremlin kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh ngay lập tức ngừng giao tranh và bắt đầu tiến trình chính trị và ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/9 rằng duy trì hòa bình và ổn định khu vực là lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Armenia và Azerbaijan. Trung Quốc hy vọng rằng các bên liên quan sẽ bình tĩnh và kiềm chế, thực hiện các biện pháp để tránh tình hình leo thang hơn nữa và hóa giải mâu thuẫn và bất đồng thông qua đối thoại chính trị.

Trang mạng L’Express của Pháp ngày 27/9 đã đăng một bài báo với nhan đề “Cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan: Chiến tranh trước cửa nhà EU”. Bài báo cho rằng cuộc xung đột lớn giữa Armenia và Azerbaijan có thể dẫn đến sự can thiệp của các cường quốc đang cạnh tranh ở Kavkaz: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.