|
Phái đoàn Mỹ và Nga hội đàm tại Riyadh mở ra hy vọng chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ukraine. Ảnh: Xinhua. |
Mỹ thay đổi chính sách, mở ra cơ hội cho hòa bình
Cục diện hỗn loạn địa chính trị lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc không chỉ dẫn đến chiến tranh lan rộng ở miền Đông Ukraine, Biển Đen và tỉnh Kursk của Nga mà còn biến thành cuộc đọ sức toàn cầu quy mô lớn trên nhiều mặt trận bao gồm chính trị, kinh tế, ngoại giao và dư luận giữa Nga và phương Tây.
Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022, Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus. Đó là cơ hội duy nhất cho hòa bình trong 3 năm qua của cuộc xung đột này. Nhưng khi xung đột leo thang và chiến tuyến mở rộng, cơ hội đó không bao giờ xuất hiện nữa.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2 năm nay, xung đột Nga-Ukraine đã có bước ngoặt đáng kể và những thay đổi đáng kinh ngạc liên tiếp diễn ra: Vào ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm để thảo luận về việc chấm dứt xung đột Ukraine và các vấn đề khác. Ngày 18/2, phái đoàn Mỹ và Nga đã có cuộc hội đàm tại Riyadh, thủ đô của Arab Saudi và nối lại việc tiếp xúc ngoại giao.
Cùng lúc đó, Mỹ đã gây sức ép chưa từng có lên Ukraine, yêu cầu ký kết thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine và tổ chức tổng tuyển cử tại Ukraine. Sự thay đổi này đã gây ra sự hoảng loạn và lo lắng ở châu Âu, cảm thấy bị gạt ra ngoài lề kể từ Hội nghị An ninh Munich, và buộc phải đẩy nhanh hành động để ứng phó với những thay đổi.
Tình hình thay đổi nhanh chóng dường như cho thấy có khả năng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc khi bước sang năm thứ tư. Một số mốc thời gian cho việc ngừng bắn giữa Nga và Ukraine cũng đã được đề xuất: nhóm của ông Trump đề xuất ngày 20/4, kết thúc tình trạng chiến tranh Ukraine ngày 9/5 và sau cuộc tổng tuyển cử tại Ukraine có thể diễn ra vào tháng 10/2025.
Vậy ánh sáng hòa bình của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thực sự đến chưa? Liệu còn có những biến số nào khác?
Hai cuộc đọ sức mới cùng lúc xuất hiện
Mặc dù các thông tin hiện tại cho thấy xung đột Nga-Ukraine thực sự đã xuất hiện những diễn biến mới, nhưng cũng đã xuất hiện hai cuộc đọ sức mới.
Thứ nhất là giữa Mỹ và Ukraine, cho dù những lời chỉ trích và đe dọa gần đây của ông Trump đối với ông Zelensky có phải là sách lược đàm phán hay không, thì những chiêu “ra giá” của Mỹ là không thể chấp nhận được đối với Ukraine.
Đề xuất kiểu “mặc cả” của Mỹ là “đổi đất lấy hòa bình” và “đổi tài nguyên lấy hòa bình”. Ông Trump cho rằng "không có khả năng" Ukraine có thể "đàm phán và lấy lại được nhiều lãnh thổ". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth cũng cho rằng việc Ukraine khôi phục lại biên giới lãnh thổ trước năm 2014 là "không thực tế" và việc Ukraine gia nhập NATO không phải là lựa chọn khả thi cho giải pháp chấm dứt chiến tranh.
Ngoài ra, Mỹ cũng hy vọng thu hồi được những khoản tiền đã viện trợ cho Ukraine trong ba năm qua. Ngày 22/2, ông Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) rằng ông sẽ nhận được "bất cứ điều gì có thể" từ Ukraine.
Có thông tin cho rằng thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine yêu cầu hai nước thành lập một quỹ đầu tư tái thiết, quỹ này sẽ nhận 50% thu nhập từ tài nguyên khoáng sản, dầu khí của Ukraine để tái đầu tư vào Ukraine, trong khi Mỹ sẽ giữ lại 100% lợi ích kinh tế.
Mặc dù dưới áp lực rất lớn từ Mỹ, Ukraine buộc phải cử một nhóm công tác để đàm phán một thỏa thuận khoáng sản với họ, nhưng rõ ràng là Ukraine đã nhận ra điểm bất lợi trong kiểu thỏa thuận như vậy.
Thứ hai là giữa Mỹ và châu Âu. Phản ứng của EU trước quyết định của ông Trump khi bỏ qua EU và khởi động lại đối thoại ngoại giao với Nga là: họ đã bị Mỹ "phản bội" và phải ngồi vào "bàn dành cho trẻ con".
Để đạt được mục đích này, EU gần đây đã quyết định tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine và áp đặt lệnh trừng phạt vòng 16 đối với Nga. Anh cũng quyết định áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Nga. Anh và Thụy Điển cũng đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Đây là lần đầu tiên Mỹ và châu Âu tách ra đi những con đường riêng kể từ khi Mỹ phát động Chiến tranh Iraq năm 2003, dẫn đến những khác biệt chiến lược giữa Mỹ và "châu Âu cũ" do Pháp và Đức đại diện. Sự bất đồng chiến lược mới này có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống "liên minh giá trị" giữa Mỹ và châu Âu vốn từng vững chắc do xung đột Nga-Ukraine.
"Kết thúc chiến tranh kiểu Mỹ" có mang lại hòa bình thực sự?
Mặc dù chính quyền Trump hành động khá hiệu quả và đạt được tiến triển nhanh chóng nhưng điểm khởi đầu cho chính sách của họ vẫn là "nước Mỹ trên hết" và địa chính trị "có thể mặc cả".
Xét về mặt khách quan, do sự phụ thuộc từ lâu nay của châu Âu vào ô an ninh của Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ của Ukraine về viện trợ quân sự của Mỹ trong 3 năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, có khả năng Mỹ sẽ dựa vào sức mạnh hùng hậu của mình để buộc châu Âu và Ukraine chấp nhận "phiên bản kết thúc chiến tranh" của Mỹ, và thúc đẩy Nga cùng Ukraine đạt được một mức độ ngừng bắn nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì “nước Mỹ trên hết” không phải là “hòa bình trên hết”, và “phiên bản chấm dứt chiến tranh” kiểu Mỹ khó có thể mang lại được nền hòa bình thực sự.
Điều này là do "phiên bản kết thúc chiến tranh" của Mỹ rõ ràng không phù hợp với lợi ích mà Ukraine theo đuổi, cũng không phù hợp với các mục tiêu mà châu Âu đặt ra. Theo truyền thống, Nga ủng hộ việc thiết lập vùng đệm giữa Nga và thế giới phương Tây. Ngay cả khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, Ukraine chưa chắc đã là vùng đệm mà Nga có thể yên tâm.
Có thể khẳng định rằng dù có lệnh ngừng bắn, địa chính trị chỉ trở lại trạng thái như thời điểm Hiệp định Minsk năm 2014. Và thực tế đã chứng minh rằng Hiệp định này không ngăn chặn được sự leo thang của cuộc xung đột 8 năm sau đó.
Do đó, khó có thể khẳng định những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ mang lại ánh sáng của hòa bình.
Ảnh: VCG.
Cần sự cân bằng giữa các bên liên quan
Nếu Nga và Ukraine thực sự muốn ngừng bắn và ký hiệp định hòa bình, họ phải quay lại các vấn đề cơ bản: tính đến quan ngại an ninh của tất cả các bên.
Theo quan điểm của Nga, mối lo ngại về an ninh của họ nằm ở sự bất ổn do sự mở rộng về phía đông của NATO. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, hoạt động của NATO càng khiến Nga lo lắng hơn. Các quốc gia thành viên NATO không chỉ cung cấp hỗ trợ quân sự và tình báo mà còn cắt đứt quan hệ với Nga trong lĩnh vực năng lượng và tài chính, thậm chí còn phủ nhận vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II.
Đối với châu Âu, mối quan ngại về an ninh của họ không hoàn toàn dựa trên những cân nhắc về an ninh của lục địa, mà còn bao gồm sử dụng quan hệ giữa Mỹ và EU để duy trì tiếng nói của mình trong trật tự quốc tế và duy trì cảm giác vượt trội thường thấy của châu Âu.
Nhưng những thay đổi mới vào đúng dịp kỷ niệm 3 năm xung đột Nga-Ukraine cho thấy trong tư duy địa chính trị của ông Trump, châu Âu không còn nằm trong danh sách các cường quốc và thậm chí còn bị Mỹ coi là gánh nặng chiến lược của họ.
Hiện giờ, châu Âu cần phải suy nghĩ xem liệu mối lo ngại về an ninh của mình có thể được giải quyết hay không nếu chỉ dựa vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Nhìn chung, việc tìm kiếm sự cân bằng giữa những mối quan tâm cốt lõi về an ninh của tất cả các bên chính là trọng tâm thực sự để giải quyết xung đột Nga-Ukraine.