Liệu chất lượng quả vải Việt Nam có đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính?
Trong tháng 5, cơ quan chức năng của Úc và Mỹ sẽ trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra và thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng trước khi nhập khẩu các lô vải đầu tiên của Việt Nam. TP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
Hơn 100 ha vải được cấp mã số
Lần đầu tiên, quả vải tươi được xuất sang thị trường Mỹ, Úc, các vùng trồng vải được định hướng xuất khẩu đã chuẩn bị những gì cho các yêu cầu khắt khe của 2 thị trường này, thưa ông?
Trước cơ hội lần đầu tiên quả vải tươi được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Úc, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn cho các Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp và người trồng vải biết điều kiện nhập khẩu vải tươi vào các thị trường này. Cục cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ và người dân trồng vải triển khai các biện pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, triển khai cấp mã số vùng trồng vải, xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ xử lý vải theo quy định của nước nhập khẩu.
Hiện nay, Cục đã cấp mã số cho hơn 100 ha vải, nhãn xuất khẩu sang Mỹ, Úc. Việc xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho vải xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được lập kế hoạch và chuẩn bị chu đáo khi có vải chín là triển khai ngay và dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2015. Khi vải thiều chính vụ chín rộ là những lô vải đầu tiên sẽ được xuất khẩu.
Vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, Úc phải trải qua quy trình phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) nghiêm ngặt. Nhiều ý kiến lo ngại, quả vải tươi sau khi qua xử lý chất lượng sẽ không được như ban đầu, khó cạnh tranh với hoa quả bản địa?
Thực tế, quả vải sau khi xử lý chiếu xạ có thể có những thay đổi nhỏ về màu sắc quả. Tuy nhiên về chất lượng vẫn giữ được vị tươi ngon. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các cơ sở xử lý chiếu xạ và cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ để vừa đáp ứng yêu cầu diệt trừ sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu nhưng trái cây vẫn giữ được hương vị, độ tươi ngon đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để cạnh tranh với hoa quả bản địa thì bên cạnh chất lượng quả tươi ngon còn cần phải có kênh phân phối và tiếp thị, quảng bá hiệu quả để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của hoa quả Việt Nam nói chung và quả vải nói riêng.
Cú hích thương hiệu
Hai thị trường khắt khe sẽ mở đường cho quả vải Việt Nam xuất khẩu thêm sang các thị trường khác? Ý kiến của ông về nhận định này?
Thực tế, vải Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường có yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm như Mỹ và Úc là một cú hích và cũng là “thương hiệu” để vải của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác trong thời gian tới.
Ông nghĩ sao khi người dân Bắc Giang rất hào hứng trước cơ hội đưa vải sang Mỹ nhưng hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp cụ thể nào về làm việc và ký hợp đồng thu mua?
Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức đưa các doanh nghiệp tới những vùng được cấp mã số tại Bắc Giang để làm việc với lãnh đạo địa phương và nông dân. Hiện có 4 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia là: Công ty Ánh Dương Sao, Công ty Chánh Thu, Công ty Rồng Đỏ và Công ty Nông sản Sài Gòn. Trong thời gian tới, Cục sẽ có các buổi làm việc với các doanh nghiệp để tính toán chặt chẽ giảm thiểu chi phí vận chuyển và xây dựng kế hoạch cụ thể để khai thác vùng vải xuất khẩu.
Tuy nhiên, năm 2015 mới là khai thông, thăm dò thị trường, khối lượng xuất khẩu chắc chắn chưa được nhiều mà có thể chỉ vài chục lô hàng. Nhưng điều này sẽ tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất bài bản thì nông sản Việt Nam sẽ vào được những thị trường khó tính nhất.
Sau quả vải sẽ là loại hoa quả tươi nào được đẩy mạnh xuất khẩu, thưa ông?
Bên cạnh quả vải, các loại quả tươi của Việt Nam đang được chúng tôi tập trung đàm phán với các nước để tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường là thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, bưởi, vú sữa.
Hiện nay, thanh long đã xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới trong đó có các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Chi Lê và các nước ASEAN…; xoài được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Newzealand; chôm chôm, nhãn xuất khẩu đi Mỹ.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong