Xuất khẩu 2015: ba chân kiềng đều yếu

Hai tháng 10 và 11 năm nay, mỗi tháng cả nước chỉ xuất khẩu được 14,3 tỉ đô la Mỹ. Muốn đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm tăng 10% (lên khoảng 165 tỉ đô la Mỹ) thì tháng 12 này phải xuất khẩu trên 16 tỉ đô la Mỹ, sẽ khó. Nhưng vấn đề không chỉ ở con số mục tiêu...
Xuất khẩu thủy sản đang gặp bất lợi do nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Xuất khẩu thủy sản đang gặp bất lợi do nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Chân kiềng thứ nhất: nông, lâm, thủy sản khó gượng

Nhóm mặt hàng này là thế mạnh vốn có, được kỳ vọng nhất về lợi thế khi nước ta đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành đầu năm tới, nhưng xuất khẩu năm nay sa sút khó gượng. Mười một tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm này thua cùng kỳ năm ngoái 1,6 tỉ đô la Mỹ (7,6%). 

Nhóm này có chín mặt hàng thì tới năm mặt hàng “rưỡi” hụt so với cùng kỳ năm ngoái. Năm tên tuổi là thủy sản, cà phê, chè, gạo và cao su, còn “rưỡi” vì mặt hàng “sắn và các sản phẩm từ sắn” tăng nhưng “chính chủ là sắn” lại giảm.

Đi vào một số mặt hàng cụ thể như sau: chín tháng đầu năm 2015 có 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước trả về vì nguyên liệu không sạch. 27 lô hàng thủy sản của 24 doanh nghiệp vừa bị EU trả về chủ yếu bởi vi phạm nhiễm hóa chất, kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014.

 Nếu tình hình trên không được cải thiện, các nhà nhập khẩu sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn, gây bất lợi không chỉ cho năm nay mà cả các năm sau.

Về gạo, thực ra xuất khẩu giảm không nhiều, nhưng cái chính là vẫn bùng nhùng trong các mớ níu kéo. Xuất khẩu gạo thua Thái Lan toàn diện như trước giờ nhưng đáng ngượng là Campuchia đang bám sát. Dù bạn đi sau ta hai thập kỷ nhưng sớm có thương hiệu, trong khi lâu nay rong ruổi trên thương trường nhưng gạo Việt Nam vẫn... vô danh.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam đứng đầu châu Á, thứ hai thế giới (sau Brazil). Song với việc chiếm tới 20% thị trường thế giới về khối lượng, nhưng trị giá chỉ có 2% thì không đáng tự hào. Sản lượng niên vụ 2014-2015 không đạt như mong muốn. Còn nhiều khúc mắc khác đã nói quá nhiều, biết rất rõ, nhưng gỡ lại quá ít.

Xuất khẩu rau quả năm 2013 lần đầu vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ, năm 2015 dự báo tới 2 tỉ đô la Mỹ. Đó là kết quả của những nỗ lực từ cách làm để có sản phẩm ngon lành kết hợp với các giải pháp về xúc tiến thương mại... Nhãn lồng, vải thiều, quả xoài đã tới được những nơi kỹ tính.

Nhưng niềm vui cũng nghẹn vì trên 60% rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc. Hình ảnh những đoàn xe chở cây trái thơm thảo từ miệt vườn phương Nam vượt con đường thiên lý rồi sững lại phơi nắng ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chực chờ qua biên giới, hồ dễ ai quên. 

Khi xuất khẩu rau quả tăng thì nhập khẩu rau quả cũng lên theo bởi khẩu vị xài trái cây ngoại, nhất là từ Thái Lan, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc... đã là “mốt” tân thời. Tương tự, sắn, cao su của ta cũng chủ yếu vào Trung Quốc.

Hồ tiêu, tiếp đà những năm trước, vẫn duy trì vị thế hàng đầu thế giới. Một trong những nguyên do là thời gian qua giá mặt hàng này lên vừa cao lại nhanh đã khiến nông dân thẳng tay triệt hạ các cây trồng lâu năm khác để dựng cọc tiêu. Thị trường vốn đỏng đảnh, nhu cầu, giá cả chưa biết thế nào. 

Trước mắt, do trồng ồ ạt và chăm sóc không đúng quy trình, khả năng năng suất không cao, bùng nổ bệnh tật. Đua nhau trồng rồi thi nhau chặt hạ đã thành điệp khúc nhiều năm. Liệu có ngày nào hồ tiêu lại là nạn nhân mà hôm này chính nó là thủ phạm?

Xuất khẩu nhân điều đứng thứ hạng cao và năm nay chắc chắn cũng vậy nhưng hiện ngành điều đang đứng trước ít nhất bốn thách thức. Một là đa số cơ sở làm nhân điều không đảm bảo vệ sinh. Hai là “loạn” doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Ba là chưa có thương hiệu. Bốn là vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô. Vượt qua “vũ môn” nào cũng khó, huống hồ là cả bốn.

Chân kiềng thứ 2: Vị thế doanh nghiệp Việt Nam phú quý giật lùi

Mười một tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cả nước tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014, thì khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 13,3% (nếu không kể dầu thô thì tăng tới 18,4%), trong khi khối doanh nghiệp Việt Nam giảm 2,6%. Nên trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng của khối FDI áp đảo tới 70,7% còn khối doanh nghiệp Việt Nam thu mình chỉ còn 29,3% (xem bảng 1).

Chân kiềng thứ 3: Thâm hụt thương mại khó gỡ

Mười một tháng đầu 2015, nhập siêu cả nước là 3,7 tỉ đô la Mỹ, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu. So với dự kiến cả năm nhập siêu 5% kim ngạch xuất khẩu thì ổn nhưng “giải phẫu” thì đáng lo (xem bảng 2). Số nhập siêu nói trên chỉ thuần túy là hiệu số giữa số nhập siêu của khối doanh nghiệp Việt Nam trừ (-) số xuất siêu cũng của khối doanh nghiệp FDI.

 Phải tách bạch hai khối thì mới thấy vấn đề trầm trọng, vì phần xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI là “của người ta”, chỉ khác là xuất khẩu từ Việt Nam; còn xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước mới thực là “của mình”. Thặng dư họ mang về, thâm hụt ta lãnh đủ. Ngay trong giai đoạn xuất siêu 2012-2014 thì nội tình đã như vậy rồi.

Theo TBKTSG