|
Xuân Mai Corp sắp có lần tăng vốn thứ 3 liên tiếp, chỉ trong hơn một năm. (Ảnh: Internet) |
CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) nhiều khả năng sẽ có lần tăng vốn thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2017. Tức là chỉ trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây.
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Xuân Mai Corp sẽ phát hành thêm 27,5 triệu cổ phần để tăng vốn trong năm nay, trong đó 20 triệu CP phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 5:2, 5 triệu CP trả cổ tức với tỉ lệ 10% và 2,5 triệu CP phát hành ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP).
Trước đó, doanh nghiệp này đã tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng trong năm 2017, tăng lên 500 tỷ đồng trong quý 1/2018 và dự kiến tăng lên 775 tỷ đồng theo Nghị quyết vừa thông qua, gấp rưỡi mức hiện nay.
Một lý giải hợp lý cho việc tăng vốn dồn dập vừa nêu ở Xuân Mai Corp, có thể là do quy mô nợ phải trả của công ty này hiện đã phình quá to, với số dư tới cuối tháng 3/2018 là khoảng 2.200 tỷ đồng, gấp 4,5 lần vốn điều lệ.
Thông tin trong báo cáo tài chính cho thấy, tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản hợp nhất của Xuân Mai Corp đạt 3.910 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các khoản mục: khoản phải thu (1.600 tỷ đồng), hàng tồn kho (987 tỷ đồng), tài sản cố định (637 tỷ đồng).
Về kết quả hoạt động kinh doanh, quý I/2018, Xuân Mai Corp đạt doanh thu 252,6 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2017 (178 tỷ đồng). Tuy nhiên, công ty lại đang lỗ sau thuế là 23 tỷ đồng (quý 1/2017 lỗ 15 tỷ đồng). Hy vọng kết quả thua lỗ trên chỉ mang tính nhất thời. Trước đó, năm 2017, Xuân Mai Corp lãi sau thuế 99 tỷ đồng, năm 2016 là 73 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được ĐHĐCĐ Xuân Mai Corp thông qua đề ra mục tiêu giá trị tổng sản lượng 2.810 tỷ đồng, doanh thu 2.667 tỷ đồng, lãi sau thuế là 109,3 tỷ đồng.
Ngoài kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phần để trả cổ tức với tỉ lệ 10%, Xuân Mai Corp cũng dự kiến trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%. Đại hội đồng thường niên đã thông qua mức trả thù lao 1,28 tỷ đồng và thưởng 231,6 triệu đồng cho HĐQT và BKS, thưởng hơn 1,026 tỷ đồng cho ban điều hành.
Xuân Mai Corp
Xuân Mai Corp tiền thân là Nhà máy Bê tông tấm lớn Xuân Mai do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, được thành lập ngày 29 tháng 11 năm 1983 theo Quyết định số 1434-BXD/TCCB của Bộ Xây dựng.
Sau nhiều lần cấu trúc, năm 2003, nhà máy này tiến hành cổ phần hóa đổi tên thành Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Xuân Mai), theo Quyết định số 1434/QĐ-BXD.
Thực tế, tới cả thập kỷ sau, pháp nhân cổ phần này vẫn là một thành viên của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), hoạt động chủ yếu trong mảng bê tông, xây lắp.
Sau nhiều năm chìm trong khó khăn, thua lỗ, năm 2013, Vinaconex đã bán lại toàn bộ 51% vốn (10.200.000 cổ phần) trong Xuân Mai Corp cho Công ty TNHH Khải Hưng.
Cơ cấu sở hữu sau đó Xuân Mai Corp sau đó có thêm một số lần thay đổi, nhưng thực chất vẫn được luân chuyển trong nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Nguyễn Đức Cử - Giám đốc Công ty TNHH Khải Hưng.
Ông Cử thường được biết đến rộng rãi hơn trên cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; Mã: LPB).
|
Sự xuất hiện của nhóm chủ mới, liên quan tới ông Nguyễn Đức Cử, đã "lột xác" Xuân Mai Corp. (Ảnh: Internet)
|
Với “ruột” mới, ngày 21/4/2014, Công ty chính thức bỏ đi thành tố “Vinaconex” trong tên gọi, chuyển thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuan Mai Corporation hay thường được viết tắt là Xuân Mai Corp).
Dàn lãnh đạo mới cùng dòng vốn tốt từ LienVietPostBank và một số ngân hàng khác, đã “thay da đổi thịt”, đưa Xuân Mai Corp đang từ một doanh nghiệp đang lún sâu trong suy thoái trở thành một đơn vị xây lắp, kinh doanh bất động sản có vị thế ở Hà Nội.
Trong lĩnh vực xây lắp, Xuân Mai Corp đã tham gia hàng loạt các dự án lớn như trung tâm thương mại Chợ Mơ, dự án Hanoi Paragon, dự án Eco Green City Nguyễn Xiển hay dự án Imperia Plaza Giải Phóng.
Dòng vốn dồi dào từ nhóm chủ mới cũng đưa Xuân Mai Corp tiếp cận và sớm khẳng định trong một lĩnh vực mới, đó là kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp này đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án Xuân Mai Complex tại Hà Đông và hiện đang triển khai giai đoạn 2. Đồng thời ghi dấu tại hàng loạt các dự án như Xuân Mai Riverside, Xuân Mai Mễ Trì Plaza, chung cư TNT Kiến Hưng.
Không dừng lại ở Hà Nội, Xuân Mai Corp còn “Nam tiến”, trở thành một chủ đầu tư có chỗ đứng tại Tp. HCM, với dự án ban đầu là chung cư Bình Trị Đông quận Tân Bình.
Đặc biệt, đầu năm 2018 này, thông qua công ty con là Công ty Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn, Xuân Mai Corp đã mua lại dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây (Diamond City), Phường Tân Thuận và Bình Thuận tại Quận 7 của Tập đoàn Hoàn Cầu – thời điểm đó đang rơi vào khủng hoảng nợ.
Giao dịch đã được UBND TP.HCM chấp thuận theo quyết định 1051/QĐ-UBND hôm 19/3. Tuy nhiên diện tích chuyển nhượng không bao gồm một số lô đất phục vụ mục đích tái định có ký hiệu từ V1 đến V5 và V7. Sau khi về Xuân Mai Corp, dự án đã có cái tên thương mại mới, là Eco-Green Sài Gòn.
Nhấn mạnh rằng, ít năm trước, Hoàn Cầu Group đã từng phải thế chấp Diamond City vào Sacombank để đảm bảo cho một số khoản vay. Bên đi vay có dấu hiệu khó khăn trong trả nợ, khi mà Sacombank đã phải tạm gán cho VAMC.
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh và ông chủ Xuân Mai Corp Nguyễn Đức Cử, nên nhớ, từng có thời gian dài cộng tác với nhau tại LPB. Mà từ ngày về làm lãnh đạo cao nhất của Sacombank, ông Dương Công Minh đã rất tích cực xử lý nợ xấu - đặc biệt là liên quan đến bất động sản, kể cả bằng cách tìm đến một số đối tác/doanh nghiệp quen.
Về mặt hình thức, cá nhân ông Nguyễn Đức Cử hiện không trực tiếp nắm giữ một chức vụ nào tại Xuân Mai Corp. Tuy nhiên, đừng vì thế mà đánh giá không đúng về tầm ảnh hưởng của ông ở doanh nghiệp.
Trong nửa sau năm 2017, có thời điểm bà Nguyễn Minh Trang, con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Cử nắm tới 55,07% cổ phần tại Xuân Mai. Chưa kể người con đầu của ông, là bà Nguyễn Bảo Ngọc, hiện là thành viên HĐQT và giữ 5,09% vốn Xuân Mai tới cuối năm 2017./.