Những kiến nghị của VGTA gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gồm: huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ vàng trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng.
Thưa ông, tại sao đến nay VGTA vẫn theo đuổi kiến nghị huy động vàng nhàn rỗi trong dân?
Việc huy động vàng trong dân là cả một câu chuyện phải bàn kỹ, không thể làm một sớm một chiều.
VGTA đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét việc huy động 500 tấn vàng trong dân, vàng nhàn rỗi là nguồn lực kinh tế rất lớn. Tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lực này mà để “chết” trong tủ sắt của dân? Rất lãng phí.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng không ổn định, nếu huy động vàng lúc giá vàng thấp, nhưng đến khi đáo hạn thì giá vàng tăng cao, sự chênh lệch này Nhà nước lấy đâu vàng hoặc tiền để bù đắp?
Đây là vấn đề kỹ thuật. Một khi đã lập đề án huy động vàng trong dân thì những người làm đề án phải tính đến các phương án có thể xảy ra. Chẳng hạn, huy động 500 tấn vàng trong dân, lấy vàng này thế chấpvay ngoại tệ của nước ngoài về phục vụ sản xuất trong nước. Chúng ta không động đến vàng đó, sau này đáo hạn thì trả lại cho dân, chứ không bán vàng lấy ngoại tệ.
Hoặc bán vàng ra nhưng có dự phòng với khối lượng vàng đã bán, hoặc trong khối vàng đó tỷ lệ vàng bao nhiêu để bán đứt và đem nấu chảy, tỷ lệ nào được giữ lại để dự phòng rủi ro.
Phương án chắc ăn nhất là giữ nguyên khối vàng đó.
Còn người dân khi cho Chính phủ vay vàng sẽ được trả lãi, tất nhiên các phương án phải được tính toán thật kỹ.
Điều lo ngại nhất ở đây là tuổi vàng. Nếu vàng được huy động trong dân thì cơ quan nào sẽ được kiểm định vàng? Tuổi vàng chênh lệch so với trước thì xử lý thế nào?
Nhưng đặt lên trên hết là ý nghĩa của việc huy động vàng khơi thông nguồn lực trong dân. Nếu chính sách tốt thì người dân sẽ tham gia.
Nhiều doanh nghiệp vàng cho biết phải mua vàng trôi nổi để sản xuất, gia công vàng nữ trang. Điều này thế nào thưa ông?
Vài năm trở lại đây các doanh nghiệp vàng Việt Nam bị “ngưng” cấp phép nhập khẩu vàng miếng, khiến nguồn nguyên liệu vàng trong nước bị khan hiếm, nhiều doanh nghiệp vàng đã phải mua vàng trôi nổi (nhập lậu) trên thị trường hoặc phải lấy vàng cũ nấu lại để chế tác, gia công vàng nữ trang.
Nếu doanh nghiệp vàng có hợp đồng lớn hoặc có quy mô sản xuất lớn thì không có vàng nguyên liệu để sản xuất. Để có vàng, doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi, do vậy dù Nhà nước không cho nhập nhưng doanh nghiệp vẫn có vàng, vẫn phải mất ngoại tệ cho việc mua vàng. Ở đây Nhà nước sẽ không kiểm soát được lượng ngoại tệ “mất đi” và lượng vàng trôi nổi.
Nếu cho nhập vàng chính quy thì nguồn ngoại tệ sẽ phải khai báo qua ngân hàng, Nhà nước có thể thống kê, kiểm soát được.
Bên cạnh đó, VGTA cũng mong muốn thuế suất xuất khẩu vàng nữ trang nên giảm xuống bằng 0%. Vì nhiều nước trên thế giới đánh thuế xuất khẩu vàng nữ trang bằng 0%.
Các doanh nghiệp vàng nữ trang không được còn vay vốn ngân hàng để mua vàng sản xuất vàng nữ trang. Vậy hậu quả của nó như thế nào thưa ông?
Hạn chế tín dụng vàng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doang vàng nữ trang khiến thị trường vàng trong nước của các doanh nghiệp nội bị thu hẹp lại. Thay vào đó là sự tràn ngập của vàng nữ trang trôi nổi nhập ngoại, nhiều nhất là từ Trung Quốc.
Mặc dù, vàng nữ trang Trung Quốc có mẫu mã rất đa dạng, giá cả hợp lý… doanh nghiệp Việt nhập về bán chênh lệch giá có khi còn “ăn” hơn là tự sản xuất, chế tác, nhưng điều này vô hình trung sẽ dẫn đến mai một nghề sản xuất, chế tác vàng nữ trang của Việt Nam, đây là điều đang báo động. Bên cạnh đó là mất đi một ngành nghề tạo việc làm cho người dân. Đây là điều cũng rất quan trọng.
Ông có đồng ý với quyết sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua là xóa bỏ tín dụng vàng đã giúp thị trường vàng ổn định?
Từ trước đến nay, quan điểm của VTGA là ủng hộ chủ trương của Nhà nước là ổn định thị trường vàng, chống lại sự “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Chính việc dừng tín dụng vàng đã phát huy mặt tích cực của nó là “đập tan” việc đầu cơ giá vàng, lũng đoạn thị trường, tạo những “cơn sóng vàng ảo” gây bất ổn trong quản lý hoạt động thị trường vàng.
Nhưng đối với cho vay vàng nữ trang cần phải “mở lại”, không nên can thiệp và hạn chế việc này.
Còn việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là do giá vàng trong nước phản ứng chậm với giá vàng thế giới. Chẳng hạn, khi giá vàng thế giới lên hoặc xuống, giá vàng trong nước chưa điều chỉnh kịp dẫn tới giá vàng trong nước thấp hơn hoặc cao hơn giá vàng thế giới và có sự chênh nhau.
Sau 10-15 ngày thì giá vàng trong nước và thế giới sẽ điều chỉnh bằng nhau, vì nó như bình thông nhau.
Đến nay, giá vàng trong nước đã giảm so với trước kia cũng do giá vàng thế giới đã giảm trở lại.
Nhưng cần phải phân biệt rõ vàng nữ trang và vàng miếng, vàng nữ trang vẫn cần nguồn nguyên liệu khoảng 15 – 20 tấn vàng/năm để sản xuất, chế tác vàng nữ trang.
Với việc nhập khẩu 20 tấn vàng cũng không tác động nhiều đến ngoại hối. Chính phủ cần xem xét để cho nhập vàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vàng nữ trang trong nước.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lan Anh
BizLIVE