Để làm được điều đó, họ hướng đến việc thu hút sự chú ý và doanh thu từ những "ông lớn" đã có tên tuổi như Alibaba Group Holding và ứng dụng video ngắn Douyin của ByteDance.
Xiaohongshu, với 300 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, đã tổ chức một hội nghị diễn ra vào hai ngày thứ Tư và thứ Năm tuần trước tại trung tâm thương mại điện tử Hàng Châu, thành phố quê hương của Alibaba. Mục đích của họ là thu hút các nhà bán hàng trực tuyến, thương hiệu và những người có tầm ảnh hưởng mở cửa hàng trên nền tảng của họ.
Dù phải đối mặt với cái nóng gay gắt của thành phố, địa điểm tổ chức vẫn đông đúc các thương gia trưng bày đủ loại sản phẩm, từ nội thất, thời trang đến đồ ăn và thức uống. Những người nổi tiếng cũng đổ về sự kiện này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.
“Tính đến năm vừa qua, số lượng người bán hàng có doanh thu hàng tháng vượt 5 triệu NDT trên Xiaohongshu đã tăng gấp 3,5 lần, và số lượng người mua hàng cũng tăng gấp 4,3 lần”, ông Yin Shi, người đứng đầu bộ phận thương mại điện tử của Xiaohongshu, phát biểu tại hội nghị.
Cũng trong nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu này, Xiaohongshu sẽ chuyển bộ phận thương mại điện tử của mình đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, được biết đến như nơi tụ họp của những người nổi tiếng.
Sự phổ biến của Xiaohongshu trong nữ giới Trung Quốc có thể khiến nó trở thành một đối thủ mạnh trên thị trường mua sắm trực tuyến của Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 2013 bởi Mao Wenchao, cựu sinh viên Đại học Stanford, và Qu Fang, một cựu nhân viên của tập đoàn truyền thông Đức Bertelsmann, Xiaohongshu bắt đầu với vai trò là một công cụ hướng dẫn mua sắm đơn thuần. Nó dần dần phát triển thành một cộng đồng trực tuyến nơi người dùng tìm kiếm mẹo vặt cuộc sống, gợi ý du lịch, cảm hứng thời trang và thậm chí là cơ hội việc làm.
Trang chủ của Xiaohongshu được thiết kế theo dạng lưới, hiển thị các buổi phát trực tiếp hoặc video ngắn, và người dùng có thể nhanh chóng cuộn lên và xuống để tìm nội dung mới, tương tự như Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc.
Khi vận may tới, nền tảng mạng xã hội này đã cố gắng chuyển đổi sự chú ý của người dùng thành doanh thu thông qua mô hình "thương mại điện tử theo đời sống". Kể từ năm ngoái, những người có tầm ảnh hưởng như diễn viên Trung Quốc Dong Jie, ngôi sao Hong Kong Teresa Cheung Xiaohui, và ca sĩ Đài Loan (Trung Quốc) Annie Yi Nengjing đã dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử qua phát trực tiếp (livestream).
“Xiaohongshu có nhiều người dùng theo đuổi những lối sống sang trọng, chủ yếu là phụ nữ, những người rất trung thành với nền tảng”, Dean Yang, người sáng lập thương hiệu nước hoa Emonster, cho biết. “Những người dùng này chính là đối tượng mục tiêu của chúng tôi”.
Mặc dù chỉ có chưa đến 40,000 người theo dõi trên Xiaohongshu, nhiều sản phẩm của Emonster đã bán được gần 10,000 đơn vị. Một chương trình khuyến mãi từ một người phát trực tiếp hàng đầu có thể mang lại hàng trăm nghìn NDT – tính cả việc họ thường thu phí hoa hồng khoảng 30%.
Theo Xiaohongshu, số lượng người dùng mua hàng qua các buổi phát trực tiếp đã tăng 6,3 lần trong năm qua, với giá trị giao dịch trung bình trên 500 NDT (69 USD).
Mảng kinh doanh thương mại điện tử của Xiaohongshu vẫn còn ở giai đoạn đầu. Theo một báo cáo của Financial Times vào tháng 3, công ty đã thu được lợi nhuận ròng 500 triệu USD vào năm 2023 trên doanh thu 3,7 tỉ USD, chủ yếu đến từ quảng cáo. Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba báo cáo doanh thu hơn 130 tỉ USD vào năm 2023.
Nhờ được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư hùng mạnh như Alibaba và Tencent Holdings, giá trị của Xiaohongshu đã đạt đỉnh 20 tỉ USD vào năm 2021. Giá trị thị trường của nó kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 17 tỉ USD do suy thoái chung trong định giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.
Xiaohongshu, dù vẫn là một đối thủ tương đối nhỏ trong thị trường, ít nhiều đã để lại được ấn tượng nhất định trong mắt của người dùng.