Theo thống kê mỗi năm Việt Nam có 180.000 người mắc ung thư và khoảng 120.000 người tử vong do bệnh này. Giảm số mắc và hạn chế tử vong do ung thư là mục tiêu Bộ Y tế đặt ra, trong đó điều trị xạ trị proton. Đây là liệu pháp xạ trị ngoài sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao để điều trị ung thư tiên tiến nhất hiện nay.
Liệu pháp này tập trung liều vào vị trí khối u, tránh được ảnh hưởng tới các mô lành xung quanh, hạn chế tác dụng phụ và phát sinh ung thư mới do chiếu xạ, đồng thời, giảm thời gian điều trị, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bộ Y tế cho biết triển khai xạ trị proton và xây dựng Trung tâm Xạ trị Proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh.
Đề án đang được Bộ Y tế làm rõ thêm các nội dung như hậu quả với trẻ em khi không có xạ trị proton, bằng chứng ở các nước ưu tiên xạ trị proton cho trẻ em, tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế (BHYT)... .
Dự kiến đề xuất tỷ lệ thanh toán từ Quỹ khám, chữa bệnh BHYT sẽ được nghiên cứu, xếp theo thứ tự ưu tiên trẻ em, người cao tuổi (như trẻ em được chi trả 80%, người già được chi trả 60%).
Đề án sẽ thống kê số lượng người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bằng xạ trị proton (dựa trên thông tin từ Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương); cũng như phân tích rõ hơn về hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ chữa khỏi, hạn chế tái phát, di căn, tạo ra của cải, vật chất.
Trước mắt, Bộ sẽ triển khai từ 1 đến 3 máy, sau đó tiếp tục nhân rộng dựa trên kết quả thực tiễn. Việc thu hồi vốn phụ thuộc nhiều vào cơ chế thanh toán BHYT.
Đề án cũng phân tích cụ thể ưu điểm, hạn chế, bổ sung tính đặc thù của từng loại công nghệ xạ trị proton, có dữ liệu về tình hình, tỷ lệ sử dụng các loại công nghệ xạ trị proton trên thế giới, đề xuất công nghệ cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý thống nhất công nghệ lựa chọn cho Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đề án tổng thể do Bộ Y tế xây dựng gồm 3 tiểu dự án của 3 bệnh viện: Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tùy vào tiến độ xây dựng, hoàn thành của các tiểu dự án để ưu tiên triển khai trước.
Dự kiến việc chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành đề án trong giai đoạn trung hạn 2026-2030.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ chủ động thực hiện các hạng mục công việc không đòi hỏi ngân sách đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ.