|
Người dân Guinea vui mừng sau tuyên bố hết dịch Ebola - Ảnh: Oeildafrique |
Theo New York Times, mặc dù khẳng định đại dịch đã kết thúc nhưng các chuyên gia WHO vẫn không quên cảnh báo mọi người cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh chết người.
Tuyên bố được WHO đưa ra sau khi một loạt ca nhiễm bệnh mới tại Liberia đã bị chặn đứng, đánh dấu thời điểm lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát hai năm trước tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, không có ca nhiễm mới nào trong ít nhất 42 ngày qua.
Bà Margaret Chan, tổng giám đốc của WHO, ca ngợi việc chấm dứt được đại dịch Ebola là một thành tựu lớn.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, dịch bệnh đã khiến hơn 11.300 người thiệt mạng và tác động tới sức khỏe của hơn 28.500 người khác.
Vào thời đoạn cao điểm của dịch bệnh, thi thể những người chết vì nhiễm virút Ebola thậm chí còn nằm la liệt trên các đường phố và thị trấn ở ba quốc gia Tây Phi.
Tuy nhiên cũng trong công bố hết dịch tại Geneva, bà Chan nói “công việc của chúng ta vẫn chưa kết thúc, vẫn cần cảnh giác để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại”.
Nguy cơ dễ thấy nhất là khả năng tồn tại dai dẳng của virút Ebola trong các dịch cơ thể, điển hình là trong tinh trùng của nam giới đã khỏi bệnh. Virút Ebola có thể sống tới một năm sau khi họ khỏi bệnh mà không có biểu hiện bệnh.
Trong chín tháng qua, trên phạm vi ba quốc gia Tây Phi đã ghi nhận 10 đợt bùng phát dịch bệnh, bốn trong số đó ở Liberia cùng với sáu đợt khác ở hai nước Guinea và Sierra Leone.
Dù vậy theo một quan chức của WHO là Rick Brennan, nguy cơ bùng phát dịch không cao. Thêm nữa, cách giải quyết của các cơ quan quản lý y tế ở những nước xảy ra dịch như áp dụng cơ chế phản ứng nhanh và theo dõi sát sao người bệnh để kiểm soát nguy cơ đã phát huy hiệu quả.
Sierra Leone tuyên bố hết dịch Ebola vào tháng 11, Guinea công bố điều này vào cuối tháng 12, còn Liberia tuyên bố hết dịch hồi tháng 5-2015, tuy nhiên sau đó lại xuất hiện một số ca nhiễm mới.
Theo Tuổi trẻ