WB: Hàng chục ngân hàng Việt sẽ được sáp nhập

World Bank tiết lộ đến năm 2017, Việt Nam sẽ giảm số lượng từ 34 về mức 15-17 ngân hàng thông qua nhiều cách thức mua bán sáp nhập.
Năm 2017 Việt Nam chỉ còn 15-17 ngân hàng.
Năm 2017 Việt Nam chỉ còn 15-17 ngân hàng.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam và đưa ra những dự báo năm 2016. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

Về lĩnh vực ngân hàng, WB cho biết, quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập nhưng vẫn khó có thể đạt được mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017. Hiện nay, tổng số ngân hàng là 34.

Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ nên việc giảm xuống 17 ngân hàng là cần thiết nhưng rất khó để đạt tốc độ này trong năm 2017.

"Việc giảm số lượng ngân hàng không nên vội vàng, quan trọng là phương thức, quy trình sáp nhập, hợp nhất phù hợp. Con số không quan trọng bằng cải cách của Ngân hàng Nhà nước", đại diện WB cho hay.

Chuyên gia này đánh giá nợ xấu ngân hàng theo công bố đã giảm xuống 3% tổng giá trị các khoản cho vay. Kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Tuy các ngân hàng bị yêu cầu dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC, nhưng khoản tín dụng và các rủi ro liên quan gây tổn hại đến nguồn vốn vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn.

WB đánh giá, viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2016 tương đối tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế. Chính vì vậy, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 xuống 6,2% thấp hơn mức 6,5% hồi đầu năm. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu giảm. Dự kiến thâm hụt tài khoá sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị giảm nhẹ.

Ông Sandeep cho rằng có hai nguyên nhân khiến WB đột ngột giảm dự báo tăng trưởng GDP là do có nhiều "dòng gió ngược chiều", tức những rủi ro kinh tế của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản vẫn hiện hữu; suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo tình hình kinh tế quý I/2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 4,6%, thấp hơn cùng kỳ; nông nghiệp lần đầu tăng trưởng âm do những tác động của thời tiết cực đoan, nạn xâm ngập mặn, hạn hán… Sản xuất nông nghiệp sẽ sụt giảm do tác động này.

Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm, ngay cả khu vực FDI - động lực tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng giảm bớt trong quý vừa qua.

Tuy vậy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục, kết quả tốt hơn trong bối cảnh tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.

WB dự báo năm nay nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ tái cơ cấu kinh tế chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng trong trung hạn. Rủi ro tài khoá là vấn đề đáng quan tâm. Tín dụng tăng nhanh làm tăng nguy cơ rủi ro trong ngành ngân hàng. Cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh của các cú sốc có thể gây ra.

Năm 2016, dự báo nợ công Việt Nam sẽ tăng lên 63,8% GDP, thâm hụt ngân sách là 5,9% GDP. Lạm phát tăng lên mức 3,5%

Do đó, WB khuyến nghị Việt Nam phải thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỷ giá, và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này.

Theo VNE